Những nông dân dám nghĩ dám làm
Chịu khó tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) đã tìm được hướng phát triển kinh tế gia đình phù hợp, hiệu quả, có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu.
Ông Võ Công Dũng bên trang trại chăn nuôi dê và heo rừng. |
Thành công từ cách làm này, anh Vinh đã chia sẻ kinh nghiệm với các hộ dân trong vùng để cùng ứng dụng giống lúa mới vào gieo trồng nhằm nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, sẵn có máy móc trong tay, anh mở thêm dịch vụ cày bừa và thu hoạch cho bà con tại địa phương, vừa giúp các hộ thay đổi cách sản xuất thủ công, vừa giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,5 – 3 triệu đồng/tháng.
Với 2 ha cà phê cằn cỗi, vốn đầu tư nhiều lại cho năng suất thấp, ông Võ Công Dũng (ở thôn 5) quyết định tìm cho gia đình hướng sản xuất mới. Để chọn được cách làm thực sự mang lại hiệu quả, ông đã dành thời gian để học hỏi kinh nghiệm làm giàu từ những người thành công trước đó, đồng thời tìm hiểu về đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng của địa phương và tự xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp cho gia đình. Năm 2011, ông mạnh dạn chuyển đổi gần 1 ha đất canh tác để đầu tư chăn nuôi heo rừng và dê. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi nên lứa heo giống đầu tiên ông mua từ Đồng Nai về chết gần hết. Không nản lòng, gia đình ông tiếp tục học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi qua sách báo và các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức. Có kiến thức, đàn gia súc của gia đình ông ngày càng phát triển. Công việc chăn nuôi đi vào ổn định, ông lại bắt tay vào cải thiện vườn cây bằng việc đầu tư trồng xen canh cà phê và hồ tiêu. Đến thời điểm này, mô hình sản xuất của gia đình ông Dũng thường xuyên duy trì trên 50 con heo rừng, 30 con dê cùng 400 gốc tiêu và 300 cây cà phê cho thu nhập ổn định 160 triệu đồng/năm. Khi được hỏi về kinh nghiệm làm kinh tế tổng hợp, ông Dũng không ngần ngại chia sẻ: “Việc phát triển kinh tế trang trại thực ra không khó, quan trọng là mình phải có quyết tâm, thường xuyên tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm hay, tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Đặc biệt là trong chăn nuôi, phải chú ý nhất trong việc chọn giống, tiêm chủng, vệ sinh phòng trừ dịch bệnh. Trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô chuồng trại, tăng dần số lượng vật nuôi, đồng thời bảo đảm chặt chẽ hơn quy trình sản xuất để tạo đầu ra ổn định”.
Từ những gương sản xuất giỏi như anh Vinh và ông Dũng, đánh giá về phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Bình Hòa, ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Được sự chỉ đạo, quan tâm của các cấp, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã không ngừng phát triển. Công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ KHKT đến từng hộ nông dân được các cấp hội thường xuyên tổ chức qua các lớp tập huấn, hội thảo cùng với sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng chính sách xã hội đã giúp nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đời sống dần nâng cao, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc