Multimedia Đọc Báo in

Nan giải bài toán thoát nghèo bền vững

09:07, 03/12/2014

Kỳ I: Nghịch lý chuyện thoát nghèo

Những năm qua, các cấp, các ngành đã rất nỗ lực triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Thế nhưng thực tế lại đang tồn tại nghịch lý, đó là nhiều người dân “sợ” thoát nghèo, thoát nghèo rồi lại tái nghèo…

“Lửng lơ” chuyện tái nghèo

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, những năm gần đây, công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2-3%. Đến nay, toàn tỉnh còn khoảng 50.334 hộ nghèo và 32.168 hộ cận ghèo. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ giảm nghèo lại đang thấp dần theo từng năm: năm 2012 giảm khoảng 2,78% so với năm 2011; năm 2013 giảm 2,4% và năm 2014 giảm 2,1% so với năm trước. Điều đó chứng tỏ kết quả giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chưa thực sự bền vững. Tại nhiều địa phương, sau niềm vui thoát nghèo thì cuộc sống của người dân vẫn khá bấp bênh, dẫn đến tình trạng tái nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo kết quả rà soát mới nhất của huyện Krông Pak, toàn huyện hiện có 4.731 hộ nghèo (chiếm khoảng 10,2% số hộ toàn huyện) và 2.158 hộ cận nghèo, tập trung chủ yếu tại các xã như Ea Uy, Ea Yiêng, Vụ Bổn, Ea Knuêk... Điều đáng nói là có những hộ thoát nghèo được 1 đến 3 năm rồi lại tái nghèo như cũ (bình quân cứ 4 hộ thoát nghèo lại có 1 hộ tái nghèo). Năm 2011 trở về trước, gia đình anh Y Tit Niê ở buôn Ea Nhaih, xã Ea Knuêk thuộc diện nghèo do thiếu đất sản xuất và vốn làm ăn nên phải nhờ sự trợ cấp của Nhà nước, con cái chẳng được đến trường. Đầu năm 2012, anh Y Tít được vay 20 triệu đồng từ vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 1 con bò giống về nuôi. Từ năm 2012 đến đầu năm 2014 gia đình anh đã có được 2 lứa bò con để bán với giá 10 triệu đồng/con, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình lúc khó khăn và vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng, đến tháng 7 vừa qua bò mẹ bị bệnh chết, gia đình Y Tít lại quay về cảnh nghèo. Còn gia đình chị H’Lúi Byă ở xã Vụ Bổn trước đây cũng rất khó khăn. Năm 2012, chị được bố mẹ cho 2 sào cà phê để canh tác, cộng với việc làm thuê làm mướn nên thu nhập gia đình cũng đủ ăn và thoát nghèo. Thế nhưng từ khi sinh thêm đứa con thứ 3, rồi thứ 4, chị H’Lúi phải ở nhà chăm con không đi làm mướn được nữa, cả gia đình chỉ có 1 lao động chính là chồng chị H’Lúi nên gia đình lại tái nghèo. Đây chỉ là 2 trong hàng trăm trường hợp tái nghèo trên địa bàn huyện Krông Pak trong vòng 1 năm qua.

Thiên tai, lũ lụt là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái nghèo. (Ảnh chụp tại xã Cư Ni, huyện Ea Kar).
Thiên tai, lũ lụt là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái nghèo. (Ảnh chụp tại xã Cư Ni, huyện Ea Kar).

Còn tại huyện Cư M’gar, theo thống kê từ đầu năm 2014 có 3.760 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ khoảng 10,18 % số hộ dân toàn huyện), trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số là 2.502 hộ. Ông Trần Tiến Ngọc, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư M’gar cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể (khoảng 3%/năm), song câu chuyện thoát nghèo rồi tái nghèo luôn là cái vòng luẩn quẩn đối với nhiều hộ dân vừa vượt khỏi ngưỡng nghèo, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi thực tế cho thấy, chỉ cần gặp thiên tai, dịch bệnh, đau ốm, hoặc giá cả nông sản xuống thấp thì các hộ này dễ trở lại tình trạng đói nghèo. Trong khi đó, người nghèo và cận nghèo lại khó tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội vì yêu cầu về tài sản thế chấp và lãi suất còn cao. Nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, như ở các xã Cư Dliê M’nông, Ea Kuêh, Ea M’Droh… điều kiện làm kinh tế khó khăn, để có cái ăn, cái mặc còn khó thì việc trả lãi và gốc tiền vay cho ngân hàng trong vòng 1- 2 năm là không thể.

“Sợ” thoát nghèo

Hiện nay có một nghịch lý đang diễn ra ở một số địa phương trong tỉnh là nhiều hộ dân không muốn thoát nghèo để tiếp tục được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo quy định, hộ nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống, còn mức thu nhập từ 401.000 - 520.000 đồng/người/tháng là hộ cận nghèo. Các chính sách cho hộ nghèo thì khá nhiều, có tới 30 loại chính sách khác nhau để hỗ trợ như bảo hiểm y tế được hỗ trợ 100%, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ về tiền điện… Trong khi đó, các hộ cận nghèo chỉ được hưởng ưu đãi một vài chính sách; còn sau khi đã thoát nghèo (chưa thực sự bền vững) lại bị cắt những trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng nên nguy cơ tái nghèo cao. Chính điều này đang tạo nên tâm lý “sợ” thoát nghèo của các hộ nghèo hiện nay.

Chị Đào Thị Hương ở xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar) bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc UBND xã đưa gia đình chị ra khỏi danh sách hộ nghèo. Bởi theo chị Hương, hoàn cảnh gia đình hiện vẫn còn rất khó khăn, một mình chị phải nuôi 3 con nhỏ, trong khi chồng thì ốm đau thường xuyên, nên muốn tiếp tục được ở trong diện hộ nghèo để được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Hay như trường hợp của gia đình ông Y Ben Ayun ở buôn Pu, xã Ea Knuêk (huyện Krông Pak), đã nhiều năm nay thuộc diện hộ nghèo, nhưng trong đợt họp thôn để bình xét hộ nghèo diễn ra vào tháng 10 vừa qua thì hộ ông Y Ben lại không còn có tên trong danh sách hộ nghèo của xã. Lẽ ra phải vui mừng vì điều này, nhưng Y Ben lại tỏ ra bức xúc vì cho rằng có rất nhiều hộ khác trong buôn Pu có điều kiện kinh tế khá hơn nhưng vẫn thuộc diện hộ nghèo mà gia đình ông lại không được (!?).

Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Krông Pak cho biết: Có tình trạng một bộ phận không nhỏ người dân sau khi được thôn, buôn bình xét đưa vào diện hộ nghèo nhưng lại không chịu làm ăn, phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo mà trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đây là thực trạng có thật đã xuất hiện tại một số địa phương, đặc biệt là một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Nếu như tình trạng này kéo dài thì tỷ lệ hộ tái nghèo năm sau sẽ cao hơn năm trước và đây sẽ là gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, đồng thời đời sống, kinh tế của một bộ phận hộ nghèo sẽ sa sút, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của huyện nói riêng và cả tỉnh nói chung...

(Còn nữa)

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc