Dân khổ vì... công trình thủy lợi bất cập!
Người dân xã Hòa An (huyện Krông Pak) đang rất bức xúc trước việc công trình thủy lợi chảy qua địa bàn thôn 1A có tổng số vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng nhưng không phát huy tác dụng, ngược lại còn gây khó khăn cho người dân bởi công trình này nằm sâu dưới mặt ruộng từ 0,5 - 0,7m, nước không thể tự chảy vào ruộng, khiến hàng chục héc-ta lúa đứng trước nguy cơ “chết khát”!
Công trình thủy lợi N1 (nhánh 1) do UBND huyện Krông Pak làm chủ đầu tư, lấy nước từ kênh chính T15 do Ban Quản lý công trình thủy lợi 8 - thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý (gọi tắt là T15-N1), có tổng chiều dài thiết kế là 690 m, vốn đầu tư 956 triệu đồng, phục vụ tưới tiêu cho 22,3 ha lúa, hoa màu và cây trồng lâu năm; trong đó 150 m đầu kênh là kênh đắp có chiều cao trung bình 0,5 m, còn lại 440 m là kênh đào. Đoạn cuối kênh có chiều dài khoảng 200 m, thấp hơn mặt ruộng từ 0,5 m - 0,7m. Theo phản ánh của người dân, mặc dù ruộng lúa nằm sát với nhánh kênh song có không ít diện tích lúa của nông dân luôn trong tình trạng “khát nước”. Đáng chú ý, hiện nay hầu hết diện tích lúa vụ Đông - Xuân của bà con đang ở thời kỳ làm đòng nhưng có nguy cơ hạt lép nếu không tưới nước kịp thời.
Công trình thủy lợi thấp hơn so với mặt ruộng gây bức xúc cho người dân. |
Ông Trần Hữu Ngọc (thôn 1A, xã Hòa An) cho biết: “Trước đây, để lấy nước tưới, bà con chỉ cần khơi thông bờ ruộng là nước tự chảy vào. Tuy nhiên, từ ngày công trình thủy lợi này được triển khai, tưởng rằng nông dân sẽ là những người được hưởng lợi, nhưng ngược lại nó gây cản trở hoạt động sản xuất của bà con, trong đó nặng nhất là những hộ dân ở cuối dòng kênh (khoảng 200 m) vì đoạn này ngập sâu dưới đất từ 0,5 - 0,7m, nước không thể tự chảy vào ruộng”. Cùng chung tâm trạng như ông Ngọc, bà Trương Thị Lê (thôn 1, xã Hòa An) bức xúc: “Khi triển khai công trình thủy lợi này, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công nâng cao dòng kênh nhưng họ khăng khăng nói làm đúng thiết kế. Tôi không hiểu họ đang xây dựng cái gì? Kênh cấp nước tưới cho lúa nhưng lại xây thấp hơn mặt ruộng từ 0,5 - 0,7m. Mùa mưa thì ruộng ngập chìm trong nước do nước không kịp thoát ra ngoài, còn mùa khô thì ruộng không lấy được nước do bờ kênh quá thấp so với mặt ruộng. Nếu công trình thủy lợi này làm xong, người dân muốn lấy nước vào ruộng phải tốn thêm khoản tiền để sắm máy bơm và tiền dầu chạy máy nổ”. Được biết, cánh đồng lúa có kênh T15-N1 chảy qua có diện tích khoảng 90 ha, do 400 hộ dân của 3 thôn (1A, 1B, 1C) canh tác. Trước đây, người dân vẫn dùng mương nội đồng (cũ) lấy nước sản xuất 2 vụ nhưng khi tuyến kênh T15-N1 được triển khai đã khiến nhiều héc-ta lúa không lấy được nước.
Không những gây khó khăn cho người dân khi lấy nước, đơn vị thi công tuyến kênh này còn cho máy múc đất đá hai bên các mương thoát nước sâu khoảng 3-4 m, rất nguy hiểm cho người dân và phương tiện đi lại. Các mương nước khi được múc lên không được gia cố nên nhiều vị trí đã bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều điểm nước chảy qua bị xói mòn, lấp đất xuống mương. Ông Trần Hữu Ngọc cho biết thêm: “Trước kia, chúng tôi đi lại, vận chuyển nông sản rất thuận tiện. Tuy nhiên, từ khi công trình thi công, lấy đất vô tội vạ làm cho nhiều héc-ta cà phê bị chia cắt bởi những mương nước sâu. Người dân muốn sang rẩy canh tác phải bắc cầu khỉ đi rất nguy hiểm. Chưa kể đến mùa thu hoạch, dân chỉ biết đứng nhìn hoặc bỏ tiền túi tự lắp cầu mới mong vận chuyển được cà phê về”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nam Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An cho biết: “Công trình thủy lợi T15-N1 này do UBND huyện làm chủ đầu tư, còn xã Hòa An chỉ có nhiệm vụ vận động nhân dân nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trước phản ánh của người dân, UBND xã cũng đã cử cán bộ xuống kiểm tra, làm Tờ trình đề nghị UBND huyện xây dựng phương án khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai”. Còn ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng huyện Krông Pak (đơn vị thi công T15-N1) cho biết: “Theo tính toán của đơn vị thiết kế, trong quá trình triển khai dự án phải dựa vào tình hình thực tế, nghĩa là để bảo đảm nước chảy thường xuyên kênh phải có độ dốc. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế thì “cống đầu kênh” khi lấy nước từ tuyến kênh chính (do Ban Quản lý Thủy lợi 8 làm chủ đầu tư), không thể cao hơn. Bắt buộc “cống đầu kênh” phải thấp hơn so với cao độ khống chế theo quy định, bởi vậy ở cuối kênh buộc phải đào thấp hơn so với mặt ruộng từ 0,5 - 0,7m”. Với việc thi công bảo đảm theo bản thiết kế thì ruộng lúa 2 bên đoạn cuối kênh sẽ không lấy nước ở tuyến kênh này mà lấy nước từ những khu khác, nghĩa là người dân phải thiết kế các cầu, máng chuyền nước từ khu khác về hoặc phải tưới động lực (dùng máy bơm) để hút nước. Lời giải thích này đương nhiên là chưa thỏa đáng bởi khi nhánh kênh này hoàn thành chỉ tưới được cho phần ruộng phía đầu kênh, còn ruộng lúa 2 bên cuối kênh vẫn phải sử dụng lại hệ thống kênh mương nội đồng cũ mà người dân sử dụng lâu nay. Theo ông Hà, trước mắt Ban Quản lý các dự án xây dựng huyện sẽ khắc phục bằng cách tiến hành xây cao tuyến kênh để người dân lấy nước dễ dàng, còn tới tháng 7-2015 công trình mới hoàn thành và bàn giao cho địa phương, khi đó mới đánh giá được hiệu quả công trình?
Nguyễn Thế
Ý kiến bạn đọc