Multimedia Đọc Báo in

Mua đất bằng giấy viết tay: Coi chừng mất trắng! - Kỳ I: Nhiều rắc rối nảy sinh

12:03, 08/04/2015

Nhiều năm nay, việc người dân mua bán đất bằng giấy viết tay đang diễn ra khá phổ biến tại một số địa phương trong tỉnh, nhất là đối với loại đất nông nghiệp. Việc mua bán, trao đổi này đã dẫn đến nhiều hệ lụy khiến người dân có thể mất trắng tài sản.

Mua bán kiểu... “tin nhau là chính”

Tại TP. Buôn Ma Thuột, những năm gần đây, do nhu cầu về đất ở ngày càng tăng nhanh nên nhiều hộ dân có diện tích đất vườn, rẫy rộng lớn gần khu vực đông dân cư đã tự mở đường, chia nhỏ đất thành từng lô để bán. Điều đáng nói là không ít giao dịch mua bán đất dạng này chỉ thông qua giấy viết tay với nhau, không được cơ quan có thẩm quyền chứng thực, không đúng với quy định pháp luật. Quy trình mua, bán dạng này rất đơn giản: bên chủ đất chỉ cần đưa khách hàng đến xem lô đất cần bán, nếu khách đồng ý mua thì hai bên tiến hành thỏa thuận giá cả, sau đó, làm hợp đồng mua bán bằng giấy viết tay và giao nhận tiền… Thủ tục mua bán đất coi như đã hoàn thành.

Người dân đang xem một bản đồ quy hoạch
Người dân đang xem một bản đồ quy hoạch

Vừa qua, anh Lê Văn T. ở tổ dân phố 5, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) mua một lô đất thổ cư diện tích 100 m2 ở buôn M’Duk, phường Ea Tam bằng hình thức thỏa thuận giấy viết tay với giá 210 triệu đồng. Anh T. cho biết, vì dự kiến mua đất xong thì sẽ xây nhà ngay nên anh và chủ đất chỉ thỏa thuận việc mua bán bằng giấy viết tay với nhau, không làm thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền để tách thửa và làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) riêng. Khi chúng tôi hỏi một chủ đất ở đây vì sao không ra công chứng khi bán đất, ông này thẳng thắn thừa nhận: Nếu ra công chứng và làm các thủ tục sang nhượng đất theo đúng quy định pháp lý thì phải mất tiền thuế và lệ phí nên ông không làm.

Trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thị T. ở tổ dân phố 10, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) cũng tương tự. Sau thời gian tích cóp, dành dụm được 130 triệu đồng, vợ chồng chị cũng tìm được một lô đất ưng ý với diện tích 140 m2 tại tổ dân phố 6, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột). Lô đất này nằm trong thửa có diện tích 3.000 m2 đất nông nghiệp trồng cây lâu năm được chủ đất chia nhỏ từng lô để bán. Do diện tích đất chị mua chưa đủ điều kiện để làm thủ tục tách thửa nên hai bên chỉ thỏa thuận việc mua bán bằng giấy viết tay. (Theo Luật Đất đai hiện hành, nếu là đất nông nghiệp thì phải có tối thiểu 500 m2 trong cùng một diện tích mới đủ điều kiện để tách thửa, làm thủ tục cấp sổ đỏ). Theo chị T., việc mua bán này người bán và người mua tin nhau là chính! Mình không mua thì người khác cũng mua. Chúng tôi đặt tình huống: Nếu lô đất chị mua bằng giấy viết tay nằm trong diện giải tỏa khi Nhà nước thu hồi thì hậu quả sẽ ra sao? Chị Thủy không chút đắn đo, trả lời: “Dẫu biết việc mua bán này có nhiều rủi ro nhưng do giá đất hợp với túi tiền, trong khi gia đình lại đang cần một diện tích đất để làm nhà ở, vả lại cũng có khá đông người cùng mua với mình nên “nhắm mắt làm liều””(?!).

Nhiều rắc rối nảy sinh

Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp mua bán đất bằng giấy viết tay dẫn đến tranh chấp phải đưa nhau ra toà. Chị Trần Thị L. ở thôn 1, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) kể: Vài năm trước gia đình chị mua 3 sào cà phê của người bạn thân ở thôn kế bên với giá 150 triệu đồng thông qua thỏa thuận bằng giấy viết tay. Oái oăm là vừa giao tiền và nhận đất được vài tháng thì chủ đất quay lại kiện đòi… đất. Tòa án tuyên thỏa thuận mua bán đất nói trên không được cấp có thẩm quyền chứng thực nên vô hiệu, buộc chủ đất hoàn lại tiền, còn chị trả lại đất. Tìm hiểu kỹ chị L. mới vỡ lẽ, lô đất ấy mới có người hỏi mua với giá cao hơn khi bán cho chị 20 triệu đồng, chủ đất xót tiền nên kiện đòi lại để bán. Việc mua đất đã không thành lại còn mệt mỏi và tốn tiền thuê luật sư theo kiện.

Trường hợp của chị Tôn Nữ Mai T. ở tổ dân phố 3, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) là một ví dụ khác. Tháng 10-2014, chị T. có mua một lô đất rộng 80,5 m2 của ông Phan Văn H. trên đường Lương Thế Vinh, phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) bằng giấy viết tay với giá 70 triệu đồng. Đến tháng 2-2015 chị T. phát hiện có người khác đang làm nhà ở trên mảnh đất của mình vừa mua nên xảy ra tranh chấp. Trong quá trình tranh chấp, kiện tụng thì chị T. mới biết, trước đó ông Phan Văn H. đã mua lô đất nói trên của ông Phan B. trú tại đường Lương Thế Vinh thông qua giấy viết tay. Không chỉ bán cho ông H., ông B. còn bán lô đất này cho một người khác. Việc tranh chấp, kiện tụng này đến giờ vẫn chưa giải quyết xong.

Nhiều hộ dân trên đường Y Moan, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) có diện tích đất vườn rộng đã chia thành từng lô nhỏ treo biển bán đất.
Nhiều hộ dân trên đường Y Moan, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) có diện tích đất vườn rộng đã chia thành từng lô nhỏ treo biển bán đất.

Trường hợp của ông Nguyễn Văn Đ., trú tổ dân phố 5, phường Đoàn Kết (thị xã Buôn Hồ) thì lại gặp rắc rối khi đất của ông bị Nhà nước thu hồi. Năm 2013, ông Đ. mua 1 ha đất của một hộ dân ở buôn Đrao, xã Cư Né, huyện Krông Buk để trồng cà phê nhưng chỉ thỏa thuận bằng giấy viết tay. Đến năm 2014, Nhà nước đã thu hồi của ông 1.000 m2 đất, trong đó có trên 1.000 cây trồng các loại để thực hiện Dự án mở rộng Quốc lộ 14. Khi cơ quan chức năng lập phương án bồi thường thì lô đất này vẫn chưa được sang tên đổi chủ. Vì vậy, gia đình ông Đ. không có tên trong danh sách được bồi thường. Bức xúc trước sự việc trên ông Đ. đã gửi đơn thư khiếu nại đến một số cơ quan chức năng huyện Krông Buk để nhờ giải quyết…

(Còn nữa)

 Lê Thành


Ý kiến bạn đọc