Multimedia Đọc Báo in

"Trái tim" của ngành lọc hóa dầu Việt Nam

09:00, 03/05/2015
Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Khu kinh tế Dung Quất) là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam được xây dựng trên địa bàn các xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), và là một trong những dự án kinh tế lớn, trọng điểm quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ 21, "trái tim" của ngành lọc dầu Việt Nam.

Về thăm Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào dịp cuối tháng 3, hoàn thành những thủ tục an ninh bắt buộc (chặt chẽ nhưng nhanh gọn), chúng tôi được hướng dẫn vào khu vực điều hành của nhà máy. Với diện tích khá rộng, khoảng 810 ha, trong đó 345 ha mặt đất và 471 ha mặt biển, nên để tìm hiểu về công trình đồ sộ này, chúng tôi được đưa đến tháp quan sát tọa lạc  trên một ngọn đồi cao gần nhà máy. Từ đây có thể quan sát được toàn cảnh 14 phân xưởng chế biến công nghệ, 10 phân xưởng năng lượng phụ trợ và 8 hạng mục ngoại vi, trong đó có các hạng mục chính: cảng nhập dầu thô, khu bể chứa dầu thô, các phân xưởng phụ trợ, công nghệ, khu bể chứa trung gian, đường ống dẫn và khu bể chứa sản phẩm, cảng xuất sản phẩm bằng đường biển và trạm xuất bằng đường bộ, đê chắn sóng, khu nhà hành chính, nhà máy sản xuất polypropylene.

Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhìn từ đài quan sát.
Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhìn từ đài quan sát.

Để vận hành công trình này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giao cho Công ty TNHH Một thành viên Lọc - hóa dầu Bình Sơn (BSR) quản lý, vận hành (sản xuất kinh doanh), đồng thời giữ vai trò tiên phong cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam và là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Chánh văn phòng BSR Đặng Hồng Sơn cho biết, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Việc xây dựng thành công và đưa nhà máy vào vận hành mang ý nghĩa hết sức  quan trọng đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều đáng mừng là 75% công việc của nhà máy do người Việt Nam đảm nhận; đã có 1.046 kỹ sư và nhân viên nhà máy được đưa đi đào tạo ở nước ngoài (chủ yếu là ở Mỹ) để chuẩn bị đảm đương toàn bộ việc vận hành nhà máy. Hiện đơn vị có thể sản xuất được các sản phẩm: khí hóa lỏng LPG, propylene, polypropylene, xăng A92, A95, dầu hỏa, diesel và dầu nhiên liệu. Đặc biệt, nhiên liệu phản lực Jet A-1K nhiên liệu Diesel L-62 của nhà máy đã chính thức được Cục Nhiên liệu và chất cháy tên lửa - thuộc Bộ Tham mưu bảo đảm vật tư – kỹ thuật các lực lượng vũ trang Liên bang Nga cấp phép sử dụng trên vũ khí, trang thiết bị quân sự và thiết bị đặc biệt của Nga tại Việt Nam. Đây là một bước phát triển mới, rất quan trọng của BSR trong khả năng làm chủ công nghệ lọc hóa dầu và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm luôn có yêu cầu nghiêm ngặt về quy trình sản xuất, quy trình bảo đảm chất lượng phục vụ cho dân sự và  quốc phòng.

Cũng theo ông Đặng Hồng Sơn, từ năm 2015, Chính phủ đã cho phép mở rộng quy mô nhà máy lên 10 triệu tấn sản phẩm/năm, ước tính chi phí để nâng cấp, mở rộng nhà máy khoảng 2 tỷ USD và được thực hiện trong 3 năm. Có thể nói, đây là thông tin không thể tốt hơn bởi lời tâm sự của anh bạn quê Quảng Ngãi của tôi thì dẫu có nằm mơ giữa ban ngày cũng không thể hình dung được sự đổi thay ở mảnh đất này. Quả thực, những con đường thảm nhựa thẳng tắp ngang dọc khắp vùng, những công trình như Trung tâm Văn hóa Thể thao Vạn Tường hoành tráng, trường đào tạo nghề, bệnh viện mang tên Dung Quất..., tất cả tạo nên vóc dáng của một khu đô thị trẻ đầy sức sống mà điểm nhấn là Nhà máy lọc dầu Dung Quất - một trong những biểu tượng sống động của đất nước ta  trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc