Multimedia Đọc Báo in

Những thanh niên làm kinh tế giỏi ở huyện M'Đrắk

08:43, 23/09/2015

Dám nghĩ, dám làm, năng động, nhạy bén, nhiều thanh niên ở huyện M’Đrắk đã khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình.

Học hết lớp 9, do gia cảnh khó khăn, anh Châu Bửu Hưởng (ở thôn 4, xã Ea Pil) quyết định nghỉ học để làm việc phụ giúp gia đình. Sau 4 năm chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nghề cơ khí cửa sắt, năm 2005, anh thuê mặt bằng mở cơ sở kinh doanh nhỏ với vài dụng cụ cơ bản và 2 triệu đồng vốn vật tư ban đầu. Năm 2014, Châu Bửu Hưởng được tổ chức Đoàn Thanh niên xét duyệt cho vay 100 triệu đồng từ chương trình vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (gọi tắt là nguồn vốn 120) nên có điều kiện mở rộng quy mô, sản xuất thêm mặt hàng nhôm kính, đầu tư thêm các trang thiết bị như máy cắt nhôm, máy mài… và các vật tư phụ kiện. Không chỉ năng động, làm giàu cho bản thân mà anh Hưởng còn nhận dạy nghề miễn phí và giúp cho nhiều thanh niên địa phương có công việc ổn định. Đến nay, cơ sở sản xuất của anh đã có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, việc làm thời vụ cho 2 lao động là thanh niên địa phương với mức lương trung bình trên 4 triệu đồng/người/tháng. Anh Hưởng chia sẻ: Trước đây, vì thiếu vốn, anh không dám mạnh dạn đầu tư các công trình lớn hoặc đảm nhận những phần việc đọng vốn dài hạn. Hiện nay, nhờ có thêm nguồn vốn lãi suất rất thấp nên anh đã mạnh dạn hơn khi làm ăn, hoạt động sản xuất kinh doanh từ đó cũng mang lại hiệu quả hơn.
Anh Châu Bửu Hưởng (bên trái) đang dạy nghề cho lao động tại cơ sở.
Anh Châu Bửu Hưởng (bên trái) đang dạy nghề cho lao động tại cơ sở.

Cùng gia đình đến M’Đrắk xây dựng kinh tế từ năm 1989, anh Nguyễn Văn Thương (ở thôn 4, xã Ea Lai) đã nhiều lần chứng kiến gia đình lâm vào khốn khó, kiệt quệ khi thiếu vốn, thiếu cả kinh nghiệm, kiến thức khoa học – kỹ thuật... Năm 2008, sau khi xuất ngũ, anh Thương quyết tâm làm kinh tế từ việc chuyển đổi dần diện tích cà phê già cỗi năng suất thấp sang trồng tiêu. Không chỉ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do các cấp tổ chức, anh còn trao đổi với các đoàn viên thanh niên khác về cây con giống và kinh nghiệm mà bản thân tích lũy được trong quá trình sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả cây trồng. Đến nay, gia đình anh Nguyễn Văn Thương có 2 ha đất trồng tiêu với hơn 2.000 gốc tiêu sinh trưởng, phát triển tốt (trong đó có 1 ha tiêu kinh doanh) kết hợp với 3 ha cây màu và cà phê, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 6 lao động thời vụ. Với những nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, vừa qua anh Nguyễn Văn Thương vinh dự được Trung ương Đoàn tuyên dương và trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2015 dành cho thanh niên nông thôn tiêu biểu là những nhà nông trẻ xuất sắc có thành tích đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực trong công tác Đoàn, Hội tại địa phương.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.