Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ phát sinh và lây lan dịch lở mồm long móng từ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ

09:27, 22/09/2015
Mùa mưa Tây Nguyên là cơ hội thuận lợi cho dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc phát sinh, lây lan, phần lớn tập trung ở các hộ gia đình chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung, số cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung (trang trại) có điều kiện đầu tư, đáp ứng các yêu cầu cần thiết cho sự phát triển của gia súc chiếm tỷ lệ rất ít, chủ yếu là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với số lượng gia súc không nhiều, chăn nuôi theo kiểu truyền thống, chưa chú trọng khâu vệ sinh, phòng bệnh. Đơn cử như ở buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột), dễ thấy việc chăm sóc gia súc (trâu, bò) của bà con chưa đáp ứng về nhu cầu dinh dưỡng; thậm chí khi bò bị bệnh LMLM, một số hộ chỉ cho ăn vỏ bắp khô và rơm khô. Chuồng trại nuôi nhốt phần lớn không tẩy rửa, một số chuồng trại còn tạm bợ, phân bò ngập vuốt chân. Việc tiêm phòng vắc-xin ở một số hộ cũng chưa tuân thủ theo kế hoạch của cơ quan chuyên môn, dù việc tiêm phòng trên bò được hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, với mỗi năm tiêm phòng hai đợt, cách nhau sáu tháng (đợt 1 tiêm vào tháng 3-4, đợt thứ hai vào tháng 9 – 10). Vì vậy, sức đề kháng của gia súc không cao, là cơ hội cho vi-rút gây bệnh LMLM phát sinh và lây lan.

Ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng Trạm Thú y TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Một số hộ chăn nuôi không phối hợp với cơ quan thú y khi nhập giống gia súc ở những địa bàn khác về nuôi nên không truy được nguồn gốc giống để xác định chất lượng giống; không được hướng dẫn xử lý dụng cụ, phương tiện vận chuyển gia súc để phòng bệnh. Khi gia súc bị bệnh, bà con không cách ly con bệnh mà vẫn chăn thả rong hoặc nuôi nhốt chung giữa gia súc khỏe và gia súc nhiễm bệnh. Việc uống chung nguồn nước suối, ao, hồ… cũng là nguyên nhân khiến mầm bệnh LMLM phát tán lây lan. Đối với heo, nhiều hộ chăn nuôi thường đi gom các loại đồ ăn thừa (thường gọi là “nước rác”) ở các cơ sở dịch vụ ăn uống và những gia đình lân cận nên không tránh khỏi mầm bệnh lây lan khi thức ăn cho heo chưa được nấu chín. Ngoài ra, sản phẩm động vật mắc bệnh ở dạng tươi sống (kể cả thịt ướp đông, da, xương, sừng, móng, sữa..) cũng là nguồn lây lan khi vận chuyển đến nơi chưa phát sinh dịch.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, cán bộ Phòng dịch tễ thuộc Chi cục Thú y tỉnh, trong những năm gần đây, ở Đắk Lắk phần lớn gia súc mang bệnh LMLM do virút type O gây nên. Virút này dễ bị tiêu diệt bởi ánh nắng mặt trời hoặc nhiệt độ cao trên 700C trong vài phút (ở phòng thí nghiệm), các chất sát trùng thông thường hoặc các chất có độ axít, độ kiềm mạnh đều có thể diệt được. Để hạn chế tối đa việc phát sinh và lây lan bệnh LMLM, xã, phường, thôn, buôn cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện quy trình phòng bệnh tổng hợp. Cụ thể: chuồng trại nuôi nhốt cần cải tạo, sửa chữa cao ráo, chắc chắn, tránh nắng, tránh gió lùa, bảo đảm ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Nền chuồng phẳng để dễ quét dọn, cọ rửa, không đọng nước, trước cửa chuồng có hố sát trùng; có khu vực riêng để nuôi nhốt cách ly động vật mới mua về trước khi nhập đàn hoặc con vật ốm để theo dõi, điều trị. Việc mua giống nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ vùng an toàn dịch, được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc