Sẵn sàng cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa lũ
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết và thiên tai từ đầu năm đến nay diễn biến bất thường và cực đoan, tác động ngày càng rõ rệt đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trên địa bàn Đắk Lắk. Chính vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) đang trở nên hết sức cấp bách đối với địa phương.
Thời tiết diễn biến phức tạp
Theo các Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, El Nino 2015 sẽ đạt cường độ của El Nino mạnh kỷ lục năm 1997-1998. Ngoài ra, có đến 90% khả năng El Nino sẽ kéo dài đến hết mùa đông 2015-2016 và khoảng 85% khả năng sẽ kéo dài đến hết mùa xuân 2016. Như vậy, ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng El Nino 2014-2016 cũng sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua. Trong các năm El Nino kỷ lục, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam thường ít hơn hoặc xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN). Ngoài ra, thường xuất hiện những cơn bão mạnh hoặc hoạt động trái quy luật hằng năm. Nền nhiệt độ trung bình ở hầu hết các khu vực trên cả nước có xu hướng cao hơn TBNN và xuất hiện nhiều hơn các kỷ lục về nắng nóng. Mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với TBNN ở các khu vực của nước ta, đặc biệt là Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, những kỷ lục về mưa lớn trong thời đoạn ngắn cũng vẫn thường xuất hiện trong các năm El Nino mạnh.
Các nhân viên của Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk đang nạo vét kênh thoát lũ của hồ Ea Nao 2 (TP. Buôn Ma Thuột). |
Những ảnh hưởng của El Nino đang thể hiện rõ trên địa bàn Đắk Lắk khi vào mùa khô, nắng nóng kéo dài gây hạn hán nghiêm trọng trong vụ đông xuân, trong khi mùa mưa lại đến muộn, lượng mưa thiếu hụt và phân bố không đều gây hạn hán trong vụ hè thu. Tổng lượng mưa đến cuối tháng 8-2015 tại các vùng trong tỉnh phổ biến mới chỉ đạt 50 - 60% tổng lượng mưa TBNN. Toàn tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2015 đã xảy ra 19 trận lốc tố, dông sét, làm 1 người bị thương, 6 nhà dân bị sập, 232 nhà dân và 5 phòng học bị tốc mái. Hạn hán đã làm cho gần 80.500 ha cây trồng vụ đông xuân và hè thu bị hạn, trong đó mất trắng gần 14.400 ha; hơn 19.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Tổng thiệt hại ước tính 2.115 tỷ đồng. Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của El Nino, khả năng mùa mưa kết thúc sớm, lượng mưa thiếu hụt từ 20-50% so với TBNN cùng kỳ. Trong khi đó, mực nước các hồ hiện đang ở mức thấp so với TBNN, đến nay mới chỉ đạt 20-50% dung tích thiết kế, thấp hơn từ 10-30% so với cùng kỳ năm 2014.
Sẵn sàng ứng phó
Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn đập tại hồ Cư Pơng (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk). |
Trước những tác động khó lường của biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, phương án PCTT; kiểm tra, rà soát lực lượng, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống và ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ... Hiện Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã ban hành phương án ứng phó thiên tai năm 2015 trên địa bàn Đắk Lắk nhằm chủ động ứng phó kịp thời các tình huống, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, tài sản; các hồ chứa và sản xuất, môi trường sinh thái. Theo đó, các địa phương đều đã xây dựng phương án PCTT-TKCN trên địa bàn, đơn cử như huyện Krông Bông, đã chủ động xây dựng phương án PCTT trên cơ sở kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn hồ đập thủy lợi, phương tiện, trang thiết bị, đồng thời xác định khu vực có nguy cơ xảy ra nguy hiểm trong mùa mưa bão như các xã Hòa Phong, Hòa lễ, Khuê Ngọc Điền, Hòa Tân, Ea Trul, Yang Réh. Khi có mưa bão xảy ra, sẽ bố trí người trực 24/24 giờ để theo dõi diễn biến và đưa ra phương án ứng phó kịp thời… Hiện địa phương đã chuẩn bị 18 chiếc xuồng, 11 nhà bạt, 818 phao cứu sinh các loại và 334 trang thiết bị khác để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. Không chỉ các địa phương mà các cơ quan đơn vị hữu quan trên địa bàn tỉnh cũng sẵn sàng cho công tác ứng phó khi có thiên tai xảy ra: như duy trì nghiêm chế độ trực 24/24, chủ động theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, tăng cường sự phối hợp và sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời… Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải đã triển khai việc bảo dưỡng các dầm cầu dự phòng; phối hợp với các đơn vị vận tải chuẩn bị phương tiện sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; khắc phục ngay tình trạng hư hỏng cầu, đường (nếu có)… Đắk Lắk hiện có 575 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 6 hồ (Ea Súp Thượng, Ea Kao, Krông Búk Hạ, Buôn Jong, Vụ Bổn, Ea Đrăng) có công trình tràn xả sâu đều đã lập quy trình vận hành điều tiết hồ chứa, có thể chủ động điều tiết lũ. Đơn vị quản lý các hồ thủy lợi cũng đã tiến hành tổng kiểm tra hiện trạng và mức độ an toàn cùng với xây dựng phương án bảo đảm an toàn các công trình đầu mối và cư dân vùng hạ du. Đối với các công trình xung yếu, đơn vị quản lý đã có kế hoạch tu sửa và điều tiết nước hợp lý, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra; cắm biển cảnh báo nguy hiểm để nhân dân nhận biết…
Minh Thuận - Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc