Giảm nghèo từ... chổi đót
Bên cạnh thế mạnh là cây cà phê và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ dân ở thôn 3 (xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắc) còn mưu sinh bằng nghề làm chổi đót. Làm chổi không chỉ giúp họ cải thiện cuộc sống mà còn góp phần duy trì một nghề truyền thống.
Đến thăm “làng chổi” thôn 3 có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người cần mẫn, thoăn thoắt tuốt từng cọng đót để bện chổi hoặc đẽo cán chổi. Bà Phạm Thị Thơm, một người làm chổi có tiếng ở thôn 3 cho hay: “Nghề này tuy không vất vả lắm nhưng đòi hỏi sự cần mẫn, chăm chỉ, khéo léo. Người già, trẻ em, đàn ông hay đàn bà ai cũng có thể làm được miễn là chịu khó”. Cũng theo bà Thơm thì để làm ra một cây chổi phải trải qua nhiều công đoạn, đầu tiên là tước từng cọng đót bó thành lọn nhỏ, bện lại bằng dây kẽm, rồi dùng dây nhựa quấn lên tới cán, sau đó khâu lưỡi chổi chặt lại. Khi đã làm xong phần thô, người thợ sẽ tiến hành quấn đuôi cán chổi và cắt tỉa lưỡi chổi để có một sản phẩm hoàn chỉnh. Một năm, gia đình bà tiêu thụ hết 5 tấn đót, cộng thêm các nguyên phụ liệu khác, chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng. 1 ký đót làm được 2 - 3 cây chổi tùy loại dày, mỏng; giá bán mỗi cây từ 15.000 - 22.000 đồng. Mỗi tháng, gia đình bà sản xuất và tiêu thụ được 350 đến 400 cây chổi, trừ chi phí cũng thu được khoảng 4 triệu đồng. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Hoài Mận ở thôn 3 cũng có thâm niên hơn 15 năm gắn bó với nghề làm chổi đót. Ngoài thời gian trồng, chăm sóc 4 sào cà phê và chăn nuôi thì vợ chồng, con cái ông tranh thủ làm thêm chổi để có thu nhập trang trải sinh hoạt hằng ngày. “Nghề làm chổi không bao giờ thất nghiệp bởi nhà nào cũng cần ít nhất một cái chổi quét nhà nên chỉ cần chịu khó sẽ không lo đói. Bây giờ, quy trình làm chổi vẫn như cũ, máy móc chẳng làm thay được”, ông Mận bộc bạch.
Bà Phạm Thị Thơm đang thực hiện những khâu cuối cùng để hoàn thiện một cây chổi. |
Qua tìm hiểu được biết, cây đót mỗi năm chỉ nở vào tháng Giêng đến tháng 2 âm lịch rồi lụi tàn. Bông đót làm chổi phải cắt khi chúng còn xanh và chưa nở hoa. Sau khi phơi khô, đót sẽ chuyển sang màu vàng, xám. Do nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm nên đã đẩy giá đót từ 15.000 đồng/kg lên 22.000 - 25.000 đồng/kg. Vì vậy, chỉ những hộ có điều kiện mới bỏ ra từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng để mua nguyên liệu dự trữ cho cả năm. Những gia đình không có vốn mua nguyên liệu, đành đi làm chổi thuê cho các hộ khác. Tuy đầu vào khó khăn nhưng đầu ra của sản phẩm khá thuận lợi. Chổi ở đây không chỉ được tiêu thụ trong huyện mà còn cung cấp cho các huyện lân cận và cả địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Theo ông Nguyễn Hữu An, Trưởng thôn 3, toàn thôn hiện có 280 hộ với gần 1.200 khẩu, sống chủ yếu bằng nghề nông. Trong đó có khoảng 30 hộ làm chổi chuyên nghiệp. Nghề làm chổi đót không chỉ giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần đáng kể giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn từ 64 hộ cuối năm 2013 xuống còn 47 hộ đầu năm 2015. Trao đổi về việc duy trì, phát triển nghề làm chổi ở địa phương, ông Nguyễn Văn Thật, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết: Thực hiện Nghị quyết chuyên đề “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, ban tự quản thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân đưa vào sản xuất nhiều loại cây trồng, vật nuôi mới, đồng thời, phát triển những nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Trong đó, nghề làm chổi đót được xã xác định là một trong những nghề mũi nhọn. Vì vậy, thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các đơn vị hữu quan tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Với bản chất chăm chỉ, chịu khó, những người gắn bó với nghề làm chổi đót ở thôn 3 đa số đều có cuộc sống khấm khá hơn, có điều kiện xây dựng nhà cửa, chăm lo cho con cái ăn học. Thiết nghĩ, nếu được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành chức năng phát triển lên thành làng nghề, tin chắc rằng, nghề làm chổi đót sẽ là một hướng phát triển kinh tế bền vững ở xã Hòa Tiến.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc