Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện hiệu quả vai trò "bà đỡ" cho kinh tế tập thể

10:17, 25/12/2015

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX của Đắk Lắk trong những năm qua không ngừng khởi sắc; đặc biệt nhiều HTX kiểu mới được thành lập và hoạt động mang lại hiệu quả cao đã thu hút được hằng nghìn lao động nông thôn tham gia ở các lĩnh vực, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Để có kết quả này, Liên minh HTX tỉnh đóng vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ, kết nối các HTX phát triển vững mạnh.

Kênh hỗ trợ hiệu quả cho các HTX

Nghị quyết Đại hội IV (nhiệm kỳ 2010-2015) Liên minh HTX tỉnh xác định, hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX, liên hiệp HTX là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đặc biệt là việc đào tạo, tập huấn, dạy nghề cho cán bộ, xã viên HTX, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX. Trong 5 năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 26 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, cán bộ kiểm soát, kế toán HTX, với 963 lượt người tham gia. Đáng chú ý là công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng từng bước được đổi mới về nội dung và hình thức tổ chức, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của HTX; trong đó, chú trọng tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng điều hành, quản lý, lập dự án đầu tư, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, nghiệp vụ kế toán, kiểm tra, kiểm soát và các vấn đề pháp lý liên quan đến HTX. Ngoài ra, còn tổ chức các lớp bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, kiến thức pháp luật liên quan về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho gần 500 cán bộ, thành viên HTX tham gia. Hoạt động đào tạo, tập huấn trong những năm qua đã góp phần nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn và tay nghề của cán bộ, thành viên HTX. Ông Đường Văn Đình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Thành Đạt (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) cho biết: “Hằng năm, chúng tôi đều được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do Liên minh tổ chức, qua đó trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của cán bộ HTX được nâng lên rõ rệt, giúp chúng tôi tự tin hơn khi tiếp cận, tham gia thực hiện các chứng nhận sản xuất nông nghiệp bền vững cho ca cao, cà phê…”.

Ông Hoàng Khang, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh (bìa phải) thăm Hợp tác xã Thành Đạt (xã Ea Sar, huyện Ea Kar).  Cán bộ Liên minh HTX tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân 2015-2016.
Ông Hoàng Khang, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh (bìa phải) thăm Hợp tác xã Thành Đạt (xã Ea Sar, huyện Ea Kar). Cán bộ Liên minh HTX tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân 2015-2016.

Song song với hoạt động trên, Liên minh HTX tỉnh còn rất chú trọng đến công tác tư vấn, hỗ trợ vốn cho các HTX hoạt động, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí thành lập mới HTX. Từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương, Liên minh hỗ trợ cho 61 HTX thành lập mới, với kinh phí là 305 triệu đồng, giúp cho các HTX được thành lập thuận lợi hơn khi tiếp cận về hồ sơ, thủ tục đăng ký HTX và giảm bớt một phần khó khăn tài chính ban đầu  khi mới khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đã tích cực hướng dẫn, giúp đỡ các HTX lập hồ sơ dự án vay vốn, thực hiện tiếp nhận, phân loại, lựa chọn dự án khả thi để xét duyệt cho vay. Tính đến cuối năm 2015, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã hỗ trợ vốn với 61 lượt dự án, tổng số vốn hỗ trợ là 12,2 tỷ đồng. Riêng trong 5 năm (2011-2015) đã phê duyệt cho vay 37 dự án, với tổng số vốn giải ngân là 8,320 tỷ đồng, đạt mức bình quân 225 triệu đồng/dự án; Quỹ giải quyết việc làm đã hỗ trợ cho vay 11 lượt  HTX với tổng dư nợ là  2,8  tỷ đồng. Qua việc cho vay hỗ trợ đã giúp các HTX phát triển ngành nghề mới, giải quyết được việc làm ổn định cho số lao động hiện có và thu hút thêm khoảng 500 lao động nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định. Ban giám đốc HTX Nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar) cho biết, năm 2011, HTX gặp khó khăn về nguồn vốn để mua máy móc phục vụ sản xuất, trong khi không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng thì được Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cho vay 300 triệu đồng, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho HTX lúc bấy giờ, giúp HTX giải quyết được vấn đề cơ giới hóa đồng ruộng.

Nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX

Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX tỉnh, đến tháng 11-2015, toàn tỉnh có 356 HTX và 2 Liên hiệp HTX, trong đó có 226 HTX, Liên hiệp HTX hoạt động và 132 HTX ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Trong 5 năm qua, có 106 HTX được thành lập, đồng thời có 70 HTX yếu kém, tồn tại danh nghĩa đã giải thể hoặc chuyển đổi sang hình thức kinh doanh khác. Bình quân mỗi năm có 20 HTX được thành lập, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội IV Liên minh HTX tỉnh đề ra (15 HTX/năm). Các HTX thành lập mới đều xuất phát từ nhu cầu thiết thực của thành viên, nhiều HTX có phương hướng hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, hạn chế dần tính hình thức, và sự trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước; các HTX đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hỗ trợ và cung ứng dịch vụ thiết yếu cho thành viên. Tuy mô hình HTX mới được thành lập trên các lĩnh vực chưa nhiều, nhưng ngành nghề kinh doanh của các HTX ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Nhiều HTX kinh doanh đa ngành nghề được phát triển mạnh, như: sản xuất nông nghiệp gắn với dịch vụ; kinh doanh vận tải kết hợp tổ chức dịch vụ sửa chữa, cung ứng xăng dầu, vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh đô thị, quản lý điện chiếu sáng công cộng; quản lý và khai thác chợ… Đáng chú ý là các HTX đã có những liên kết rộng hơn theo mô hình “3 nhà”, “4 nhà” và mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cà phê theo hướng bền vững ở các HTX công bằng Ea Kiết, công bằng Cư Dliê Mnông…, không những giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều HTX được ổn định mà các HTX còn tiếp cận, tham gia được các dự án do các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ, góp phần vào việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề.

Cán bộ Liên minh HTX tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân 2015-2016.
Cán bộ Liên minh HTX tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân 2015-2016.

Đáng chú ý là trong thời gian qua, các HTX đã từng bước được củng cố và tổ chức hoạt động theo Luật HTX 2012, HTX tồn tại hình thức, danh nghĩa từng bước được xử lý, làm cho hình ảnh của HTX được cải thiện, thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia vào HTX. Nhiều HTX trung bình và yếu kém đã nỗ lực vươn lên, nếu năm 2010 số HTX khá giỏi là 45%, trung bình 39%, yếu kém 16% thì đến nay HTX khá giỏi chiếm 47%, HTX trung bình chiếm 43%, HTX yếu kém chiếm 10%. Các HTX cùng với tổ hợp tác đã thu hút được nhiều nguồn lực của xã hội vào sản xuất kinh doanh, vừa tạo ra sản phẩm hàng hóa, vừa phục vụ cho nhu cầu lợi ích của thành viên và người lao động. Nếu tính cả sự đóng góp trực tiếp của kinh tế tập thể và đóng góp gián tiếp thông qua kinh tế hộ thành viên và thành viên tổ hợp tác thì kinh tế tập thể đóng góp vào GDP của tỉnh hằng năm khoảng 12%.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, trong thời gian tới mục tiêu đầu tiên của Liên minh là tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về HTX kiểu mới, đặc biệt là thông qua các phương tiện truyền thông để nhân rộng các mô hình HTX điển hình tiên tiến. Tiếp theo là phải tổ chức được hoạt động của HTX nằm trong chuỗi ngành hàng cà phê bền vững theo định hướng của tỉnh trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, để làm sao đây chính là nơi tập hợp những nông hộ, cơ sở sản xuất nhỏ thành một tổ chức với quy mô lớn hơn; đồng thời là nơi để Nhà nước thực hiện các chính sách liên quan đến sản xuất nông nghiệp và là nơi sản xuất hàng hóa tập trung cho các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến. Điều quan trọng hơn là thông qua hình thức sản xuất theo chuỗi này sẽ nâng cao năng suất, trình độ lao động và cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần thực hiện thành công các tiêu chí về thu nhập, cơ cấu lao động, xóa đói giảm nghèo, môi trường, hình thức tổ chức sản xuất… trong xây dựng nông thôn mới.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.