Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea Pil (huyện M'Đrắk) gặp khó trong thực hiện tiêu chí chợ nông thôn

09:57, 26/02/2016
Theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chợ nông thôn phải đáp ứng các điều kiện: phù hợp với việc lưu thông hàng hóa, gần khu dân cư, trung tâm xã; hoạt động chợ phải kết hợp với các hoạt động dịch vụ - thương mại, văn hóa khác có liên quan; diện tích đất xây dựng phải từ 3.000 m2 trở lên; diện tích nhà chợ chính chiếm tối đa 40%... Đối với xã Ea Pil, địa phương cửa ngõ phía Tây của huyện M’Đrắk, qua 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, việc hoàn thành tiêu chí số 7 về chợ nông thôn vẫn là vấn đề nan giải.

Tại khu vực Km 73 (Quốc lộ 26) thuộc thôn 3 (xã Ea Pil), khu vực chợ tự phát hình thành từ năm 2007 và ngày càng phát triển. Khu vực này hiện thường xuyên có trên 30 hộ dân kinh doanh đầy đủ các loại hàng hóa, chủ yếu là nhu yếu phẩm hằng ngày như: rau, thịt, cá, hoa quả, gia cầm… Ngoài ra, còn có những gian hàng không thường xuyên là các quầy quần áo, đồ dùng điện tử, vật dụng gia đình… của các hộ kinh doanh từ chợ Km 68 và xã Ea Tyh (huyện Ea Kar) cũng tham gia buôn bán ở đây. Chợ hoạt động cả ngày, lại nằm ở điểm nút giao thông của xã Ea Pil ngay trước cổng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong với gần 500 học sinh, người mua bán tấp nập, lẫn với phụ huynh đón con, học sinh ra lớp đã tạo nên cảnh nhốn nháo, chen chúc, ồn ào, mất trật tự... Do là chợ tự phát, thành phần các hộ kinh doanh khá phức tạp nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn, từ đó nảy sinh những vấn đề về bảo đảm an ninh xã hội, trật tự an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường khu vực do không có hệ thống thoát và xử lý nước, rác thải.

Chợ tự phát ở Km 76 (ngã ba thôn 3, xã Ea Pil, huyện M’Đrắk) lấn sát lề đường, gây mất trật tự an toàn giao thông.
Chợ tự phát ở Km 76 (ngã ba thôn 3, xã Ea Pil, huyện M’Đrắk) lấn sát lề đường, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Trước tình trạng trên, xác định xây dựng chợ có ý nghĩa quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giải quyết tình trạng chợ lấn đường trên địa bàn xã, từ năm 2012, chính quyền xã Ea Pil đã có quy hoạch xây dựng chợ với diện tích tổng thể trên 8.000 m2, với hơn 200 gian hàng, tổng chi phí ước tính khoảng 12 tỷ đồng, hình thức huy động vốn bằng xã hội hóa. Dù quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt song sau nhiều năm triển khai, nguồn vốn huy động vẫn không đáp ứng yêu cầu xây dựng. Theo khảo sát ý kiến của người dân và các hộ kinh doanh tại khu vực chợ tự phát thì một trong những nguyên nhân người dân còn e ngại tham gia xã hội hóa chợ nông thôn mới là đa số người dân vẫn còn nặng tâm lý “tiện đường”. Một số ý kiến khác cho rằng, mặc dù đã được định hướng quy hoạch nhưng hiện nay, khu vực chợ mới vẫn chỉ là bãi đất trống cỏ mọc. Nếu chính quyền địa phương có chính sách di dời các hộ kinh doanh về chợ mới thì cần triển khai quyết liệt hơn, bảo đảm không để xảy ra tình trạng “người đi, người ở”. Một người bán thịt heo ở chợ tạm chia sẻ: Việc buôn bán cả ngày ở ngoài trời rất vất vả nhưng với người buôn bán nhỏ lẻ, kinh tế eo hẹp thì việc đóng góp một khoản đầu tư để xây dựng chợ là quá sức. Bên cạnh đó, nếu thực hiện di dời, giải tỏa chợ thì phải tiến hành triệt để vì hiện nay một số người thuê nhà ngay ngã ba rồi họp chợ ngay phía trước thì việc mua bán vẫn diễn ra bình thường.

Trước yêu cầu xây dựng chợ phục vụ nhu cầu kinh doanh, mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân xã Ea Pil cũng như sự cần thiết phải giải tỏa điểm nút giao thông, ngày 11-12-2015, UBND huyện M’Đrắk đã đồng ý chủ trương xây dựng chợ tạm trong thời gian chờ đợi nguồn vốn xây dựng chợ theo đồ án quy hoạch của xã, vị trí xây dựng ngay trên khu vực đất quy hoạch chợ Ea Pil. Chợ tạm mái vòm có diện tích 216 m2 trên khu đất tổng thể 8.160 m2, gồm 24 gian hàng, kinh phí xây dựng ước hơn 217 triệu đồng bằng nguồn vốn huy động xã hội hóa. Tuy nhiên, dù đến thời điểm này đã có hơn 30 hộ kinh doanh đăng ký thuê gian hàng nhưng việc các hộ dân này đóng góp chi phí xây dựng là vấn đề không dễ giải quyết. Ông Nguyễn Doãn Sùng, Chủ tịch UBND xã Ea Pil, cho biết: “Nếu chỉ dựa vào nguồn vốn huy động từ các hộ kinh doanh thì vẫn không đủ để xây dựng chợ. Chính quyền địa phương cũng đã tích cực vận động các nguồn lực khác từ doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, các đơn vị đầu tư… song vẫn gặp rất nhiều khó khăn”.

Xã Ea Pil hiện có 1.725 hộ dân, 6.898 khẩu, cách xa chợ trung tâm huyện khoảng 20 km. Thiết nghĩ, để xây dựng chợ, giải quyết điểm nóng vi phạm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn xã, cần phải có sự vào cuộc thật sự mạnh mẽ, quyết liệt của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, đặc biệt là sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Có như vậy, Ea Pil mới có thể hoàn thành tiêu chí chợ trong xây dựng nông thôn mới.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.