Xây dựng nông thôn mới ở huyện M'Đrắk: Còn nhiều nỗi lo
Sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện M’Đrắk đã đạt một số kết quả quan trọng, bình quân đạt 7,17 tiêu chí/xã, tăng 2,2 lần so với năm 2011. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, các tiêu chí quan trọng nhiều xã vẫn chưa hoàn thành.
Kết quả bước đầu
Trong 5 năm thực hiện, Chương trình XDNTM đã trở thành phong trào lan rộng trên địa bàn huyện, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng khang trang, văn minh hơn; cơ sở hạ tầng thiết yếu được sửa chữa, nâng cấp; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện… Để có kết quả này, đầu tiên phải kể đến hiệu quả của công tác truyền thông, ngay khi triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo XDNTM huyện đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan đoàn thể, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú và kịp thời, tạo được sức lan tỏa lớn. Đặc biệt, các hội, đoàn thể như Hội Nông dân huyện đã tổ chức được 491 buổi tuyên truyền cho 30.354 lượt hội viên về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM. Qua đó, Hội cũng đã vận động nhân dân tham gia đóng góp trên 997 triệu đồng, hiến 7.070 m2 đất và 27.592 ngày công để tu sửa 64,77 km đường giao thông nông thôn, làm mới 306,3 m đường bê tông và 4 cây cầu trên địa bàn các xã, thị trấn; Đoàn thanh niên cũng tham gia phong trào XDNTM với 37 công trình, trong đó xây dựng, nâng cấp tu sửa đường nông thôn trên 100 km, cứng hóa 15 km, cứng hóa và đổ bê tông 8 sân bóng chuyền, trồng 2.890 cây xanh… Từ việc làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, sau 5 năm thực hiện, chương trình đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở nhiều vùng nông thôn, nhất là tiêu chí về điện, đến nay có 160/161 thôn, buôn được cấp điện và 14.791 hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia, đạt 96,85%. Ngoài ra, xác định việc phát triển sản xuất là yếu tố cốt lõi của XDNTM, huyện đã tập trung ưu tiên các nguồn lực sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực, quy mô lớn gắn sản xuất chế biến với tiêu thụ; xây dựng mô hình, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Trong 5 năm, tổng diện tích gieo trồng tăng từ 26.278 ha năm 2010 lên 31.308 ha năm 2015; tổng sản lượng lương thực năm 2010 đạt trên 56.603 tấn, đến nay đạt hơn 76.592 tấn, bảo đảm lương thực cho tiêu dùng và nguồn hàng hóa cung cấp ra thị trường. Đặc biệt, chương trình phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp của huyện giai đoạn 2011-2015, đã xây dựng được 20 mô hình chăn nuôi và 3 mô hình trồng cây thức ăn chăn nuôi tại các xã, thị trấn. Với việc trồng cỏ, chế biến thức ăn và lai tạo giống đã cải thiện tầm vóc, nâng cao giá trị đàn bò, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi… Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 12 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên 20,6 triệu đồng/người/năm (năm 2014) và đã có 2 xã đạt tiêu chí về thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua các năm, từ 33,29% (năm 2011) xuống còn trên 13% (năm 2015), bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm 3,85%. Các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa đều đạt kết quả khá, đến nay đã có 50% số xã đạt tiêu chí về giáo dục, 58,33% đạt tiêu chí về y tế, 33,33% đạt tiêu chí về văn hóa. Riêng về tiêu chí xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và giữ gìn an ninh trật tự xã hội thì hầu hết các xã đều đạt, chiếm trên 90-100%.
Vườn hồ tiêu một hộ nông dân xã Ea Lai phát triển tốt nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật. |
Rất cần nguồn đầu tư từ Nhà nước
Đến nay, huyện M’Đrắk đã tăng 47 tiêu chí trong XDNTM, nâng tổng số tiêu chí lên 86/228, bình quân đạt 7,17 tiêu chí/xã, trong đó xã Ea Riêng đạt cao nhất 12/19 tiêu chí, xã thấp nhất là Cư San 3/19 tiêu chí; các xã còn lại đạt 5-10 tiêu chí. Nhìn chung, chương trình vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, bình quân tiêu chí của huyện đạt thấp so với bình quân của tỉnh; phong trào không đồng đều, khó khăn nhất là ở những xã, thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn còn lúng túng, thiếu chủ động, thiếu tính đồng bộ... Bên cạnh đó, vẫn còn một số người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại các dự án đầu tư của Nhà nước; chưa phát huy được sức mạnh của nhân dân.
Hội thảo đầu bờ chuyển giao khoa học kỹ thuật về giống lúa chất lượng cao cho nông dân trên địa bàn huyện M’Đrắk. |
Đáng lo hơn là nhiều tiêu chí quan trọng về cơ sở hạ tầng thiết yếu, môi trường… vẫn còn nhiều xã chưa đạt được. Đơn cử như giao thông nông thôn, đến nay, toàn huyện xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp được 31,3 km đường xã, nâng tổng số xã được cứng hóa đường giao thông lên 55,32 km, đạt 24,73%, tập trung ở các tuyến đường từ xã đến các thôn, buôn; cứng hóa 5,1 km đường thôn, xóm, nâng tổng số đường thôn, xóm được cứng hóa lên 18,8 km, đạt 5,6%. Như vậy hiện tại, vẫn chưa có xã nào đạt tiêu chí số 2 về giao thông… Về thủy lợi, đã xây dựng thêm được 3 công trình, nâng tổng số công trình trên địa bàn huyện là 60; tu sửa 10 công trình, kiên cố hóa 19,139 km kênh mương, bảo đảm nước tưới cho 68,5% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới. Tuy nhiên, hệ thống công trình thủy lợi còn nhỏ, nhiều công trình đã xuống cấp, kênh mương được kiên cố hóa ít, chưa bảo đảm yêu cầu sản xuất và dân sinh, đến nay mới có 1/12 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi…
Theo Ban chỉ đạo XDNTM huyện, M’Đrắk là một huyện nghèo trong khi nguồn ngân sách bố trí cho chương trình lại thấp so với nhiệm vụ đặt ra; đầu tư của doanh nghiệp vào địa phương và đóng góp của nhân dân cho chương trình còn thấp… nên việc hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch đề ra là rất khó thực hiện. Trong giai đoạn mới, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của địa phương thì rất cần sự đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương để huyện thực hiện tốt các tiêu chí nặng về vốn như xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc