Ứng phó với hạn: Cần nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm
Đắk Lắk đang ở đỉnh điểm của đợt hạn khốc liệt với 42.000 ha cây trồng bị hạn, trong đó mất trắng trên 6.000 ha. Nông dân các địa phương đang quay cuồng vét từng giọt nước để chống hạn, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài người dân cần chuẩn bị tâm thế để ứng phó với hạn bằng các biện pháp công nghệ tưới tiên tiến.
Những mô hình hiệu quả
Trong khi nhiều nông dân đỏ mắt tìm nước tưới cho cây cà phê đang héo rũ vì hạn thì vườn nhà chị H’Oanh Niê, thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Ea Kmát (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) vẫn xanh tươi nhờ được HTX hỗ trợ lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm. Chị H’Oanh cho biết, trước đây gia đình tưới bằng béc từ nguồn nước giếng nhưng chỉ tưới được 3 tiếng là nước cạn, phải nghỉ 15-20 phút mới có nước tưới lại. Từ khi lắp hệ thống tưới tiết kiệm này thì nhàn hơn rất nhiều, chỉ cần bật máy lên và canh thời gian, vừa tiết kiệm được nước (tưới 2 ngày, 1 đêm vẫn chưa hết nước), bón phân lại ít tốn công lao động… Còn theo ông Nguyễn Văn Minh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin, hiện trên địa bàn huyện đã có trên 10 mô hình tưới tiết kiệm cho rau, cà phê, tiêu và hiệu quả mang lại rất tốt, không chỉ tiết kiệm nước, phân bón, nhân công… mà quan trọng hơn là người dân bắt đầu quan tâm và ý thức được vấn đề sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp. Trạm cũng đang triển khai xây dựng 2 mô hình tưới tiết kiệm cho cây cà phê theo công nghệ của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên với mục đích tuyên truyền là chính, để giúp người dân tiếp cận được với công nghệ tưới hiện đại, đồng thời thấy được hiệu quả để tin tưởng đầu tư vào diện tích sản xuất của mình.
Mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê ở huyện Cư Kuin. |
Theo mô hình, nếu như nông dân tưới nước cho cà phê bằng hình thức tưới gốc, tưới béc… lượng nước cần cung cấp vào khoảng 600l/cây/đợt tưới, dẫn đến việc lãng phí tài nguyên nước và tốn nhiều chi phí. Trong khi với hình thức tưới tiết kiệm nước theo nghiên cứu của Viện lại có khá nhiều ưu điểm, đó là việc lắp đặt hệ thống đơn giản, dễ sử dụng; lượng nước cung cấp cho cây cà phê chỉ còn 400 – 450l/cây, giúp tiết kiệm 20 – 30% lượng nước tưới mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu nước trong mỗi chu kỳ cho cà phê phát triển. Áp dụng hình thức này, mỗi năm Đắk Lắk giảm được từ 70,2 triệu m3 nước và giảm 15 công tưới nước/ ha/năm, giúp cho các nông hộ tiết kiệm được lượng phân bón từ 1,774 đến 2,587 triệu đồng/ha...
Thực tế cho thấy, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn được nghiên cứu, ứng dụng và phát triển ở nhiều địa phương trong nước đã chứng tỏ được tính ưu việt đột phá trong canh tác nông nghiệp so với phương pháp tưới truyền thống về nhiều mặt như tiết kiệm nước từ 20% - 40%, năng suất tăng từ 10% - 40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20% - 50%... Một lợi thế quan trọng nữa là áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm có thể tạo ra phương thức sản xuất nông nghiệp mới trên những vùng đất dốc, vùng đất hoang hóa. Dưới tác động của biến đổi khí hậu và trong điều kiện hạn hán, cạn kiệt nguồn nước như hiện nay thì giải pháp tưới tiết kiệm nước là yêu cầu cấp bách cần phải đẩy mạnh.
Nông dân e dè vì chi phí còn cao
Hiệu quả tưới tiết kiệm nước đã rõ, nhưng để nhân rộng là điều không dễ dàng. Theo bà Trịnh Thị Hảo, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Ea Kmát, chi phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israen cho 1 ha cà phê hết 80 triệu đồng, trong đó HTX hỗ trợ cho hộ thành viên 60%. Do chi phí lắp đặt khá cao nên trước mắt HTX chỉ mới làm thí điểm 1/140 ha, diện tích còn lại chưa thể đầu tư mặc dù nhiều thành viên rất muốn áp dụng nhưng vẫn e ngại khi phải bỏ ra một lượng tiền khá lớn trong khi giá cả và năng suất cà phê luôn bất ổn, đồng thời nông dân lo lắng về vấn đề an ninh khi lắp đặt hệ thống trong rẫy nằm xa nhà. Ông Nguyễn Văn Tư ở xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin cho hay, nhà có 7 sào tiêu, gia đình đang áp dụng phương pháp tưới truyền thống, trước tình hình biến đổi khí hậu thì gia đình cũng rất muốn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nhưng vẫn hơi lo ngại khi phần lớn nông dân mới chỉ được giới thiệu các mô hình qua các cuộc hội thảo chứ chưa được chứng kiến các mô hình và hiệu quả ngoài thực tế… Ông Nguyễn Văn Minh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin cho rằng, trong điều kiện bất ổn của khí hậu hiện nay, việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm là việc cần phải làm ngay, vì vậy nông dân phải chuẩn bị tâm thế để thực hiện điều này. Vấn đề ở đây là làm sao để nông dân tin tưởng ứng dụng, vì hiện nay có rất nhiều giải pháp công nghệ tưới để nông dân lựa chọn, nhưng loại nào phù hợp với đặc điểm cây công nghiệp dài ngày ở Tây Nguyên và phù hợp với túi tiền người dân thì rất cần sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền, hướng dẫn…
Để gỡ khó cho các mô hình tưới tiết kiệm, trong tương lai, ngoài việc nhân rộng các mô hình tưới thông qua kênh khuyến nông thì Nhà nước cũng phải quan tâm đúng mức về vấn đề này. Theo TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, nguồn nước tưới ngày càng khó khăn, đang mất cân bằng giữa nguồn nước và nhu cầu tưới, thành thử đòi hỏi phải áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước để nâng cao hiệu quả. Vấn đề là người nông dân chưa đủ niềm tin nên chưa mạnh dạn đầu tư. Mặt khác cần phải có những chính sách cụ thể làm sao thúc đẩy quá trình ứng dụng kỹ thuật mới này một cách nhanh hơn và rộng khắp hơn.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc