Multimedia Đọc Báo in

Để tăng "sức hút" của Cụm công nghiệp Cư Kuin

08:50, 09/08/2016

Cụm công nghiệp (CNN) Cư Kuin thành lập năm 2013, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 75 ha, ngoài ra có 25 ha đất dự phòng.

Hiện nay ngoài Công ty Cà phê Ngon đã xây dựng và đi vào hoạt động thì có 5 nhà đầu tư đăng ký vào CCN Cư Kuin, gồm: Nhà máy sản xuất phân bón vi sinh của Công ty TNHH Vũ Tiến Đức, Nhà máy sản xuất phân bón vi sinh của Công ty TNHH Duy Anh, Nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty CP Vật liệu xây dựng Tây Nguyên, Nhà máy thu gom và sơ chế phế liệu của Công ty TNHH MTV xử lý môi trường Thành Phát. Dự kiến vào năm 2017 các dự án trên sẽ đi vào hoạt động.

CCN Cư Kuin hiện chỉ có Công ty Cà phê Ngon đã xây dựng và đi vào hoạt động.
CCN Cư Kuin hiện chỉ có Công ty Cà phê Ngon đã xây dựng và đi vào hoạt động.

Bên cạnh những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nguyên liệu, UBND tỉnh và UBND huyện Cư Kuin đã cố gắng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào CCN bằng những biện pháp cụ thể như: đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục; giải phóng mặt bằng cho thuê giá rẻ (45 đồng/1m2/năm)… nhưng các DN đầu tư vào CCN vẫn không đáng kể, hoặc có đầu tư nhưng không “đi đến cùng”. Một số DN đăng ký đầu tư vào CCN nhưng quá thời hạn vẫn không thực hiện nên đã bị thu hồi chủ trương đầu tư như: Nhà máy viên nén gỗ, Nhà máy sản xuất phân bón NPK nhả chậm.

Sau gần 3 năm, tiến độ thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn huyện Cư Kuin vẫn còn chậm, tỷ lệ lấp đầy còn thấp. Nguồn ngân sách eo hẹp nên thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng là nguyên nhân chính khiến CCN chưa đủ sức hấp dẫn đối với các DN. Ông Ngũ Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm phát triển CCN huyện Cư Kuin cho biết, thời gian qua nhiều DN gặp khó khăn nên việc đầu tư sản xuất bị chững lại, đa số DN trong tỉnh tập trung vào xây dựng cơ bản mà ít chú ý vào sản xuất trong khi các DN ngoài tỉnh tiếp cận đầu tư chủ yếu ở các thành phố lớn. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng trong CCN Cư Kuin chưa được đầu tư như đường giao thông trục chính và phân lô.

Để tháo gỡ khó khăn, thu hút các doanh nghiệp, UBND huyện Cư Kuin đã có  những biện pháp hỗ trợ cụ thể như: đăng thông tin kêu gọi đầu tư trên website của huyện, trên báo đài, đồng thời liên hệ Trung tâm xúc tiến thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư để đưa ra những phương án xúc tiến đầu tư vào CCN Cư Kuin. Theo ông Khánh, cần đi thực tế các địa phương, gặp gỡ các DN để trao đổi mời gọi nhà đầu tư có năng lực, có hướng đầu tư đúng và phù hợp vào CCN. Cần phát triển CCN hiện có theo chiều sâu bằng cách nâng cao chất lượng và hiệu quả của dự án đầu tư, khuyến khích các dự án đầu tư có công nghệ cao, công nghệ sạch, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Chú trọng công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ tay nghề cho lực lượng lao động tại chỗ đáp ứng được nhu cầu của các DN. Mặt khác, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để đầu tư hạ tầng CCN là “cú hích” quan trọng để khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp.

 Khả Ngân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.