Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp và giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất, kinh doanh

09:47, 27/09/2016

Tiền điện chiếm một phần đáng kể trong tổng chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Do đó, các DN, cơ sở sản xuất đã thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện nhằm cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nhà máy bia Sài Gòn – Đắk Lắk có công suất 70 triệu lít/năm, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất rất lớn. Để giảm chi phí điện, công ty đã nâng cấp hệ thông thiết bị theo hướng tiết kiệm năng lượng, trong đó, sử dụng nồi hơi thứ, lò hơi tầng sôi để tăng hiệu suất, giảm thời gian vận hành. Bên cạnh đó, quy trình vận hành dây chuyền cũng có những cải tiến như loại bỏ các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất; xử lý, làm sạch triệt để các phế phẩm, không đưa vào hệ thống xử lý nước thải. Điều này làm giảm áp lực, thời gian vận hành cho dây chuyền, từ đó giảm lượng điện năng tiêu thụ. Ngoài ra, đơn vị cũng phát động phong trào cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, giải pháp sử dụng đèn Led cao áp tại xưởng sản xuất và chiếu sáng trong khuôn viên công ty, hằng năm tiết kiệm gần 80 triệu đồng. Giải pháp đấu nối lại hệ thống, rút ngắn quy trình vệ sinh tại phân xưởng nấu lên men, tiết kiệm khoảng 280 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó là các sáng kiến rút ngắn thời gian, công suất, lượng hơi mẻ lọc và nâng cao hiệu quả hoạt động của máy rửa chai công suất 30.000 chai/giờ. Ông Đặng Ngọc Đức, Phó Giám đốc nhà máy cho biết, những cải tiến này hằng năm giúp đơn vị giảm chi phí vận hành hàng trăm triệu đồng, bảo đảm sức khỏe cho công nhân làm việc tại các phân xưởng và thân thiện với môi trường…

Vận hành dây chuyền sản xuất tại Nhà máy bia Sài Gòn - Đắk Lắk.
Vận hành dây chuyền sản xuất tại Nhà máy bia Sài Gòn - Đắk Lắk.

 Công ty TNHH MTV Đô thị và môi trường Đắk Lắk quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột gồm hơn 15.600 bóng đèn, tổng công suất 14.832.480 kWh/năm. Hằng năm, công ty đã đưa ra các giải pháp tiết kiệm điện nhằm đưa công suất điện tiêu thụ giảm 40-50%. Theo đó, đã lắp đặt, thay thế thiết bị chiếu sáng mới có hiệu suất chiếu sáng cao và công suất phù hợp với từng tuyến đường thay thế cho các loại bóng tiêu hao nhiều điện năng. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, đã thay thế, lắp đặt mới 360 bộ đèn 2 công suất 150W/100W, 150 bộ đèn 2 công suất 100W/70W tại các đường hẻm, ngõ xóm nhỏ. Đồng thời, đơn vị cũng rà soát, phân loại để cắt điện chiếu sáng tại những địa điểm không cần thiết trong từng thời điểm. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, công suất tiết kiệm đạt 4,5 triệu kWh (44,5 %), tương đương số tiền  gần 8,5 tỷ đồng.

Trung tâm thương mại Vincom Plaza Buôn Ma Thuột có quy mô 6 tầng, điện được sử dụng nhiều nhất cho việc chiếu sáng, chạy máy điều hòa, vận hành thang máy và thang cuốn. Đặc biệt 11/43 gian hàng kinh doanh ẩm thực, phải sử dụng tủ lạnh công suất lớn để bảo quản thực phẩm nên nhu cầu dùng điện rất lớn. Bà Trịnh Chu Khánh Nhiên, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, để giảm chi phí điện, đơn vị sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và vận hành tòa nhà theo quy định nghiêm ngặt. Cụ thể, hệ thống chiếu sáng sử dụng toàn bộ đèn led tiết kiệm điện; các tầng nhà luôn đóng cửa và chỉ sử dụng các thiết bị theo đúng nhu cầu vận hành trong từng thời điểm; kiểm soát lượng ánh sáng, âm thanh một cách hợp lý; đồng thời siết chặt việc đóng, ngắt thiết bị của các nhân viên theo đúng kỹ thuật… Nhờ đó, đơn vị đã giảm được đáng kể lượng điện năng tiêu thụ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thang cuốn tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza Buôn Ma Thuột chỉ hoạt động trong khung giờ quy định để giảm điện năng tiêu thụ.
Thang cuốn tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza Buôn Ma Thuột chỉ hoạt động trong khung giờ quy định để giảm điện năng tiêu thụ.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, để nâng cao hiệu quả chương trình tiết kiệm điện, hằng năm, Sở Công thương đã tổ chức các lớp tập huấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các DN. Còn ngành Điện địa phương cũng thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền tiết kiệm điện đến các DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh và chiếu sáng công cộng. Tuy nhiên, nhiều DN thiếu kinh phí để đầu tư công nghệ hiện đại, ít tiêu hao năng lượng. Bên cạnh đó, khả năng vận hành và thực hiện giải pháp kỹ thuật sử dụng tiết kiệm điện trong hệ thống lò hơi, hệ thống lạnh công nghiệp và dây chuyền sản xuất trong nhà máy của một số đơn vị chưa hiệu quả.    

Theo số liệu của Công ty Điện lực Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã tiết kiệm được 624.258.944 kWh, trong đó, riêng các đơn vị sản xuất, kinh doanh tiết kiệm 284.965.120 kWh.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.