Multimedia Đọc Báo in

Khi nông dân trở thành "khách VIP"

20:57, 29/09/2016

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh phục hồi chậm, các lĩnh vực từng rất “hot” như bất động sản vẫn đang “nguội lạnh”, cho vay nông nghiệp, nông thôn lại trở thành “cứu cánh” cho không ít ngân hàng.

Trước đây, các ngân hàng thường chỉ chú trọng đến đối tượng khách hàng có dự án lớn; song đến thời điểm này những món vay nhỏ, vòng quay vốn nhanh như trong lĩnh vực nông nghiêp – nông thôn lại là ưu tiên của các ngân hàng thương mại trong cấp tín dụng. Không chỉ Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn mà gần như tất cả các ngân hàng có mặt trên địa bàn tỉnh đều có chiến lược riêng để phục vụ phân khúc khách hàng này khiến xu hướng tín dụng chảy mạnh vào tam nông đang diễn ra rất rõ nét. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, tăng trưởng tín dụng phục vụ nông nghiệp - nông thôn trong những năm gần đây luôn đạt ở mức cao. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, cho vay nông nghiệp – nông thôn đã đạt 24.946 tỷ đồng, tăng gần 8% so với đầu năm, chiếm 40% tổng dư nợ toàn địa bàn, với hơn 155.325 lượt khách hàng vay vốn, tỷ lệ nợ xấu rất thấp.

Theo đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bắc Đắk Lắk, sở dĩ các ngân hàng đang cố gắng phát triển tín dụng khu vực nông thôn bởi đây là thế mạnh trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và quan trọng hơn là tính an toàn và hiệu quả mang lại rất cao. Với bản chất thật thà, cần cù lao động của người nông dân, trừ khi họ gặp rủi ro thời tiết, mất mùa có thể chưa trả được nợ đúng hạn, thì sau khi thu hoạch họ trả nợ ngay và không bao giờ có chuyện nông dân chây ì trả nợ, đặc biệt khi nông dân đã biết ứng dụng máy móc, công nghệ cao vào sản xuất giảm thiểu được rủi ro. Anh Nguyễn Văn Chiến (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) là một trong những điển hình trong việc phát huy hiệu quả vốn vay của ngân hàng. Chỉ từ khoản vay 100 triệu đồng từ Agribank Chi nhánh Cư Kuin đến nay anh đã có thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. Anh Chiến chia sẻ, anh đã có quan hệ với Agribank đã gần 10 năm nay. Dù nghề nông chịu nhiều rủi ro từ thời tiết, giá cả thị trường, nhưng chưa bao giờ anh phải “nói khó” với cán bộ Agribank.

Cán bộ tín dụng Agribank Chi nhánh Cư Kuin thẩm định dự án kinh doanh  của hộ nông dân trên địa bàn.
Cán bộ tín dụng Agribank Chi nhánh Cư Kuin thẩm định dự án kinh doanh của hộ nông dân trên địa bàn.

Không chỉ đẩy mạnh phát triển tín dụng, hiện không ít ngân hàng coi khu vực này là thị trường tiềm năng trong huy động vốn. Đơn cử như tại Agribank Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, nguồn vốn huy động từ dân cư 7.370 tỷ đồng trên tổng số 7.783 tỷ đồng vốn huy động, chiếm tỷ trọng 94,7%, tăng 1.407 tỷ so cùng kỳ năm trước và tăng 1.002 tỷ đồng so đầu năm, tốc độ tăng trưởng huy động vốn từ dân cư đạt 15,8%.

Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, phương thức “chậm mà chắc, năng nhặt chặt bị” đã được các ngân hàng lựa chọn. Và có thể khẳng định, người nông dân chính là điểm tựa an toàn cho ngân hàng thực hiện phương châm này để vượt qua khó khăn.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.