Multimedia Đọc Báo in

Vụ đông xuân 2016-2017: Huyện Lắk đối mặt với nhiều khó khăn

08:59, 21/02/2017

Nếu ở thời điểm này năm trước, nông dân huyện Lắk đang gồng mình chống hạn thì năm nay lại lao đao vì ngập lụt, hàng trăm ha lúa nước phải sạ đi sạ lại tới 3 lần. Nông dân không chỉ mất giống, công, vật tư… mà việc dịch chuyển thời gian gieo sạ cũng sẽ dẫn đến nguy cơ mất mùa vào cuối vụ.

Thiên tai bất thường

Ông Nguyễn Đăng Trọng, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết (huyện Lắk) cho biết, trong lịch sử chưa có năm nào xảy ra tình trạng ngập lụt liên tục như năm nay, hơn nghìn héc-ta lúa của người dân trên địa bàn xã phải sạ lại nhiều lần, thậm chí có nhà không còn giống để sạ.

Nông dân xã Buôn Triết đang sạ lại diện tích lúa bị thiệt hại do ngập lụt.
Nông dân xã Buôn Triết đang sạ lại diện tích lúa bị thiệt hại do ngập lụt.

 

 

“Hiện thôn Kiến Sương có 98 hộ, trong đó hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 50% nên trước tình hình nêu trên bà con gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, bà con cấp thiết mong muốn được hỗ trợ về giống và vật tư để tái sản xuất”

 
 
Ông Nguyễn Văn Bắc, Trưởng thôn Kiến Sương, xã Buôn Triết

Buôn Triết là xã trọng điểm về lúa của huyện Lắk, với khoảng 2.200 ha lúa vụ đông xuân, tuy nhiên thời tiết biến đổi bất thường khiến cho vùng lúa này đã hứng chịu 3 đợt lũ tính từ giữa tháng 1-2017 đến nay. Nặng nhất là đợt ngập thứ 2 và 3, vào đúng ngay dịp Tết nên diện tích lúa bà con tranh thủ gieo sạ xong để ăn Tết coi như “công dã tràng”. Toàn xã có đến hơn 1.700 ha bị ngập, khắc phục được 600 ha, còn trên 1.100 ha phải sạ lại. Trong đó, diện tích phải sạ lại lần 3 khoảng 500 ha, tập trung ở các thôn Kiến Sương, Buôn Tung 1, Buôn Tung 2, Mê Linh 1, Mê Linh 2. Ông Nguyễn Văn Bắc, trưởng thôn Kiến Sương cho biết, do đây là vùng trũng nên 100 ha lúa nước trong thôn đều bị ngập hết, bà con mất ăn, mất ngủ vì lo lắng về một vụ mùa thất bát. Lúa giống không chỉ bị mất ngoài ruộng mà còn bị mất trong nhà. Do cánh đồng không có hệ thống kênh mương nên bà con phải tranh thủ làm nhanh, cứ thấy nước rút qua đầu gối là ngâm giống để tranh thủ sạ (như mọi năm nếu sạ muộn sẽ không đủ nước). Tuy nhiên năm nay rất trớ trêu, nhiều hộ ngâm giống đợi nước rút để sạ nhưng nước đợt này chưa kịp rút hết thì nước sông lại đổ về, lại tiếp tục bị ngập nên lượng lúa giống đã ngâm chưa kịp sạ đành phải bỏ đi. Ông Bắc cho hay, hiện gia đình có 4 ha lúa, trước Tết thấy nước rút dần gia đình tranh thủ sạ được hơn 2 ha, những tưởng được thảnh thơi ăn Tết, không ngờ mới sáng sớm ngày đầu xuân nhìn ra cánh đồng thấy ngập trắng xóa, mặc dù trên địa bàn xã không có giọt mưa nào. Vậy là bao nhiêu giống, công, thuốc đổ ra đồng lại bị dòng nước cuốn đi, gia đình lại phải xoay xở để tiếp tục sạ lại lần 3. Tương tự, hộ ông Phạm Văn Thêm có trên 3 ha, trong đó có 1 ha bị sạ lại lần 3. Theo tính toán, để phải sạ lại, mỗi 1 sào nông dân phải bỏ ra trên 600.000 đồng chi phí cho tiền giống, công, vật tư… Đây là số tiền không nhỏ đối với những hộ thuần nông, nhưng để bỏ ruộng thì bà con không đành. Hiện tại, trong thôn vẫn còn 30 ha nước chưa rút hết, bà con đang phải bơm nước ra để sạ,  nhưng cũng rất hoang mang, lo lắng, không biết còn hứng chịu đợt ngập nào nữa không?

Cần có giải pháp lâu dài

Phòng NN-PTNT huyện cho biết, do diễn biến bất thường của thời tiết, trong thời gian cuối tháng 1, đầu tháng 2-2017 trên địa bàn huyện và vùng thượng nguồn sông Krông Ana đã xảy ra mưa, gây ngập lụt cho huyện Lắk đến 3 đợt. Nặng nhất là đợt 3, mặc dù trên địa bàn huyện chỉ mưa nhỏ nhưng ở thượng nguồn mưa lớn nên nước đổ về nhanh, trong khi nước ở các cánh đồng vẫn chưa rút hết đã gây thiệt hại nặng nề cho vụ đông xuân, với 2.200 ha lúa mới gieo sạ bị ngập thuộc các xã Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết, diện tích phải sạ lại trên 1.500 ha. Nhiều hộ nông dân không còn lúa giống để sạ, phải sử dụng thóc thịt làm giống, thậm chí có một số hộ không còn khả năng tài chính để tiến hành gieo sạ lại lần nữa. Nguyên nhân nước tràn vào cánh đồng của các xã nêu trên có một phần do một số đoạn bờ sông Krông Ana bị vỡ, xói lở nghiêm trọng trong 2 đợt mưa lũ đầu tháng 11 và 12-2016, nhưng chưa được khắc phục sửa chữa và do tình trạng nước tràn vào cống của đập suối Cụt (vì 2 xã Đắk Liêng, Buôn Tría chưa thống nhất được mức độ đóng, mở cống).

 Nông dân  xã Buôn Tría đang  dặm lại lúa  ở diện tích  bị ngập  trong đợt lụt vừa qua.
Nông dân xã Buôn Tría đang dặm lại lúa ở diện tích bị ngập trong đợt lụt vừa qua.

Trước tình hình trên huyện đã cử cán bộ xuống địa bàn các xã Đắk Liêng, Buôn Tría để phối hợp giải quyết việc đóng, mở cống tại đập suối Cụt nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân 2 xã; tiến hành đắp các đập tạm để ngăn nước từ sông chảy vào cánh đồng. Hiện tại, nước đã cơ bản rút hết, bà con cũng đã gieo sạ lại gần xong. Tuy nhiên, bà con cũng rất lo sợ bởi thời gian gieo sạ bị dịch chuyển như vậy sẽ kéo theo thời gian cho thu hoạch vào đúng thời điểm mùa mưa, nguy cơ lũ tiểu mãn về gây ngập lụt là rất cao. Ông Nguyễn Đăng Trọng, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho hay, không chỉ nông dân mà chính quyền địa phương đang rất lo lắng về chuyện này. Hiện xã đã có văn bản đề nghị huyện sớm sửa chữa các đoạn bờ sông Krông Ana bị vỡ để tránh nước tràn vào khi lúa đến thời điểm thu hoạch.

Theo Phòng NN-PTNT, huyện cũng đã đề nghị tỉnh xem xét, hỗ trợ khẩn trương kinh phí để mua lúa giống hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại và khắc phục sửa chữa các đoạn sông bị sạt lở nhằm hạn chế thiệt hại vào cuối vụ khi có lũ tiểu mãn về. Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh cần quan tâm xây dựng hệ thống kênh tiêu cũng như các đoạn đê bao để bà con yên tâm sản xuất.   

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.