Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu từ mô hình đa con, đa canh

09:34, 07/02/2017
Lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng, ông Bùi Sim (SN 1965, ngụ thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) đã vận dụng tất cả kinh nghiệm của mình vào việc sản xuất mô hình đa con, đa canh và có thu nhập trên 850 triệu đồng/năm.

Để có được kết quả ấy, ông Sim đã trải qua một chặng đường không ít chông gai. Năm 1987, ông lập gia đình và ra riêng lập nghiệp. Không có đất, ông Sim quyết định đi vay lãi để mua đất sản xuất. Với phương pháp “lấy ngắn nuôi dài” và sự kiên trì, chỉ vài năm sau đó, vợ chồng ông đã mua được 4 ha đất rẫy. Tuy nhiên, chỉ ngay sau khi có đất, ông Sim đối diện với cảnh dở khóc, dở cười vì 2 ha đất trũng liên tục bị ngập úng không thể sản xuất.

Ông Sim nói về mô hình sản xuất đa con, đa cây.
Ông Sim nói về mô hình sản xuất đa con, đa cây.

Nhiều năm sau, hệ thống đê, đập trên địa bàn được xây dựng và đi vào hoạt động, chấm dứt tình trạng ngập úng. Sau khi tham dự các lớp tập huấn và tham quan các mô hình, ông Sim mạnh dạn đầu tư trồng 600 cây dừa xiêm dứa, 100 cây mít Thái, gần 1.000 gốc chuối lùn, 500 cây cau, 1,5 sào rau má trên một phần diện tích của 2 ha đất bị ngập úng trước đó. Cũng trên diện tích đất này, ông Sim còn trồng 4 sào mía đỏ, 5 sào bắp trắng, gừng, khoai môn… trái vụ, tận dụng các bờ ranh trồng cỏ nuôi dê. Riêng 2 ha đất trên cao, ông tận dụng tối đa để trồng cà phê xen canh tiêu, chuối lùn.

Mô hình sản xuất đa con, đa cây nói trên đã đưa lại cho gia đình ông nhiều kết quả không ai ngờ tới. Với 2 ha cà phê xen canh tiêu, hằng năm cho sản lượng từ 7-10 tấn cà phê và 3-6 tấn tiêu. Riêng 2 ha đất trũng mỗi năm cho thu hoạch 10 tấn bắp, 2 tấn khoai môn, 8.000 cây mía đỏ. Mỗi ngày, ông bán 5 buồng chuối lùn và các loại rau được 400-600.000 đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư, nhân công, mỗi năm gia đình ông Sim thu lợi nhuận khoảng 850 triệu đồng/4 ha đất và khoảng 60 triệu đồng từ đàn dê.


Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Sim còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động tại địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Ông tự nguyện hướng dẫn cho những hộ nghèo tại địa phương áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi. Khi biết được hoàn cảnh của ông Đặng Văn Vinh (một hộ nghèo tại thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến) có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh nhưng không có tiền mua nhạc cụ, ông Sim đã cho mượn vốn hơn 100 triệu đồng không lãi suất để hộ gia đình này mua dàn nhạc phục vụ đám cưới, cải thiện cuộc sống. Được sự giúp đỡ của ông Sim, gia đình ông Vinh đã vươn lên thoát nghèo và nay là hộ có kinh tế khá.

Phúc Phạm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.