Multimedia Đọc Báo in

Phát triển đàn bò thịt ở khu vực Tây Nguyên: Cần nhiều giải pháp căn cơ

10:12, 08/02/2017

Chăn nuôi đại gia súc ở khu vực Tây Nguyên phát triển khá mạnh, đặc biệt ở Đắk Lắk; rất nhiều dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa đang được triển khai đã mở ra nhiều triển vọng cho sự phát triển ngành hàng bò thịt vùng Tây Nguyên.

Nhiều lợi thế

Trong 2 năm gần đây chăn nuôi đại gia súc ở Tây Nguyên phát triển rất mạnh nhờ sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn và bước đầu đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, Đắk Lắk là địa phương có phong trào phát triển chăn nuôi mạnh ở khu vực Tây Nguyên, nhất là bò thịt với số lượng trên 170 nghìn con, sản lượng gần 10.500 tấn thịt hơi. Đặc biệt, trong những năm gần đây khi tỉnh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo định hướng hàng hóa thì ngành chăn nuôi được quan tâm nhiều hơn, nhất là công tác cải tạo con giống để lai tạo ra các giống bò cái chất lượng tốt, năng suất cao, thay thế dần giống bò địa phương. Cùng với đó là chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn, thuê đất để đầu tư phát triển chăn nuôi bò... Hiện tỉnh đang có 4 dự án lớn đầu tư vào chăn nuôi bò thịt, bò sữa, trong đó đáng chú ý là Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt do Công ty TNHH Liên hợp công - nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ thực hiện tại thôn 8, xã Ea Lai, huyện M’Đrắk. Khởi động từ năm 2008, đến nay công ty đã nhập 3.223 con bò thịt từ Australia về nuôi vỗ béo, với các giống: Red Angus, Brahman, Drought-master, Black Angus… Ngoài ra, với mục đích cải tạo nguồn gen bò vàng địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất bò thịt trên một đơn vị diện tích cỏ trồng, công ty đã gây tạo được 64 bò cái hậu bị, 319 bò cái sinh sản và cho sinh sản thành công 774 bê con có trọng lượng sơ sinh từ 18-40 kg/con, cá biệt có những bê con sơ sinh đạt trên 50 kg/con là những con lai từ bò cái sinh sản nền cho phối với tinh bò đông lạnh giống BBB của Bỉ.

Chăn nuôi bò quy mô nông hộ ở huyện Lắk.
Chăn nuôi bò quy mô nông hộ ở huyện Lắk.

 

 
“Riêng về thị trường, đây là nội dung rất lớn mà chúng tôi đang tìm kiếm và cùng nhau tháo gỡ với các nhà doanh nghiệp. Tuy nhiên để làm tốt vấn đề thị trường không chỉ có trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ ngành khác cũng như sự làm việc tích cực hiệu quả của các doanh nghiệp. Và thị trường luôn là con số bí ẩn mà chúng ta cần có những lời giải phù hợp từng giai đoạn chứ chúng ta không có đáp số nào chung cho tất cả các loại sản phẩm hiện nay” 
 
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

Theo đánh giá của ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Tây Nguyên có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc mà trước tiên là lợi thế về diện tích đất rộng, có khả năng đầu tư phát triển chăn nuôi một cách bền vững và vẫn còn dư địa để các nhà đầu tư quan tâm phát triển chăn nuôi. Thêm vào đó, nhiều trang trại chăn nuôi bò thịt có quy mô từ 100 con trở lên đang có xu hướng phát triển mạnh ở Tây Nguyên. Riêng thị trường của đại gia súc thì trong nước vẫn đang mở, thị trường nước ngoài cũng đang có nhu cầu lớn. Nhu cầu tiêu dùng thịt bò của Việt Nam đang và sẽ tăng nhanh do thu nhập tăng cao, mức sống được cải thiện và sản xuất thịt bò trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa đặc biệt thịt bò chất lượng cao, hiện sản lượng thịt bò chỉ chiếm 4,5% tổng sản lượng thịt xẻ.

Cần phát triển theo hướng bền vững

Tuy có nhiều lợi thế nhưng chăn nuôi ở Tây Nguyên vẫn còn không ít hạn chế, đó là chưa có trung tâm sản xuất các loại giống gia súc gia cầm, chưa có nhà máy thức ăn đầu tư quy mô lớn, tỷ trọng chăn nuôi ở các tỉnh Tây Nguyên chiếm tỷ lệ thấp so với cả nước… Mặc khác, mặc dù đã có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhưng việc triển khai các dự án vẫn còn rất chậm. Trong 4 dự án đang thực hiện trên địa bàn Đắk Lắk thì mới có một dự án đi vào hoạt động tương đối ổn định, còn lại đều vướng công tác đề bù và thủ tục pháp lý… Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, trong tình hình phát triển chăn nuôi hiện nay, nhất là vùng Tây Nguyên thì vai trò của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng, nó thể hiện ở hai việc, thứ nhất là rà soát lại toàn bộ điều kiện địa hình tự nhiên, kinh tế xã hội đã quy hoạch; thứ hai là trên cơ sở đó chúng ta có chính sách thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Theo đó, trên địa bàn của Tây Nguyên rất cần các nhà đầu tư có nghiên cứu cụ thể để có một hoạch định phù hợp với từng đối tượng vật nuôi. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền và nhà đầu tư hết sức quan trọng để không phá vỡ quy hoạch chăn nuôi chung của cả nước cũng như là không làm ảnh hưởng đến sinh kế của các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng.

Nuôi  bò thịt  ở Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk, huyện  Cư M’gar.
Nuôi bò thịt ở Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk, huyện Cư M’gar.

Còn theo kinh nghiệm của các tập đoàn lớn của các nước trên thế giới, cần phải phát triển chăn nuôi theo chuỗi trên cơ sở phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế xã hội của từng vùng, đồng thời rà soát lại tất cả các khâu trong quá trình chăn nuôi theo chuỗi để trên cơ sở đó có những giải pháp phù hợp, có những kiến nghị về mặt cơ chế, chính sách hoặc tìm kiếm các đối tác trong nước và quốc tế để phát triển. Mặt khác, phải nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó khâu quan trọng nhất là phải cải tiến toàn bộ con giống gắn với chế độ dinh dưỡng phù hợp; rà soát lại tất cả các quy trình chăn nuôi ở các khối chăn nuôi, từ khối có vốn FDI đến khối doanh nghiệp, trang trại, nông hộ… để mỗi một khối có một quy trình chăn nuôi phù hợp giúp giảm giá thành chăn nuôi xuống để dễ cạnh tranh; tiến tới xây dựng các thương hiệu hàng hóa để đưa ra được thị trường thế giới… Những điều này đòi hỏi sự vào cuộc hết sức tích cực, sự đầu tư rất lớn và sự phân tích rất tỉ mỉ của từng giai đoạn, từng doanh nghiệp thì chúng ta mới có sự phát triển tốt.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.