Multimedia Đọc Báo in

Nữ Bí thư Đoàn làm giàu từ mô hình V.A.C

09:08, 22/03/2017

Những năm gần đây trên địa bàn xã Ea Na (huyện Krông Ana) có rất nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Mô hình V.A.C của gia đình chị Hòa Thị Hằng là một điển hình nổi bật.

Năm 2003, chị Hằng lập gia đình cùng anh Trần Văn Kiên. Lúc đầu, hoàn cảnh kinh tế hai bên nội ngoại đều khó khăn nên khi ra sống riêng, anh chị chỉ được hai bên gia đình cho chút vốn ít ỏi để khởi nghiệp. Với số vốn khiêm tốn, anh chị trồng ngô và chăn nuôi gà, nhưng sắp đến ngày xuất chuồng thì có dịch cúm làm cho đàn gia cầm chết số lượng lớn. Đó là quãng thời gian khó khăn, anh Kiên phải đi làm mướn, chị Hằng ở nhà trồng ngô và gây dựng lại đàn gà trang trải nợ nần. Mặc dù cuộc sống gia đình vất vả, nhưng chị Hằng vẫn luôn tích cực trong công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bí thư Chi đoàn thôn Quỳnh Ngọc 1. Đến năm 2006, chị Hòa Thị Hằng được tín nhiệm giữ chức Bí thư Đoàn xã Ea Na. Với vai trò mới, chị có cơ hội tham gia các lớp tập huấn về nông nghiệp, biết đến mô hình trồng hồ tiêu năng suất cao. Sau đó chị đã bàn bạc cùng chồng quyết định vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để trồng tiêu trên 3 sào đất, kết quả đã thu về lợi nhuận cao.

Chị Hằng thu hoạch tiêu.
Chị Hằng thu hoạch tiêu.

Tận dụng đà phát triển, cộng với những kinh nghiệm tích lũy được, vợ chồng chị đã mạnh dạn vay ngân hàng, mua thêm đất trồng tiêu. Song song đó, gia đình chị chăn nuôi bò lai để cung cấp phân bón cho vườn tiêu và nhận thầu 1 hồ nước diện tích 50 ha của hợp tác xã để thả các loại cá có giá trị kinh tế cao (cá rô, cá trắm, cá mè). Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đến năm 2011 mô hình kinh tế V.A.C đã cho gia đình nguồn thu nhập ổn định với 1.800 trụ tiêu/2 ha đất đem lại khoảng 500 triệu đồng mỗi mùa, 16 con bò lai và ao cá mang về 200 – 300 triệu đồng/năm.

Mô hình kinh tế V.A.C của anh Kiên, chị Hằng còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho một số người dân tại địa phương. Chị Hằng với trọng trách là Bí thư Đoàn xã nên rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm từ chính mô hình của gia đình cho đoàn viên thanh niên và giúp đỡ nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn. Bản thân chị Hằng nhiều năm liền được cấp trên khen tặng là Bí thư Đoàn xuất sắc.

Vĩnh Quốc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.