Multimedia Đọc Báo in

Trồng nhãn lồng Hưng Yên cho hiệu quả kinh tế cao

10:42, 30/05/2017

Trước đây, trên diện tích 0,5 ha đất sỏi của gia đình, chị Nguyễn Thị Chuyên (thôn 6, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) trồng cà phê nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.

Năm 2013, trong một lần đến nhà người thân ở cây số 68 huyện Ea Kar chơi, thấy có mô hình trồng nhãn lồng Hưng Yên nên chị Chuyên đến học hỏi kinh nghiệm và mua 400 cây giống với giá 30.000 đồng/cây về trồng. Qua một thời gian trồng và chăm sóc, chị nhận thấy việc trồng nhãn khá đơn giản, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư không cao, cây nhãn phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại địa phương. Ngoài ra, giống nhãn này không phát tán nhiều như vải, ít sâu bệnh nên hiếm khi phải phun thuốc trừ sâu, thu hoạch lại dễ dàng hơn.

Chị Chuyên đang thu hoạch nhãn trong vườn nhà.
Chị Chuyên đang thu hoạch nhãn trong vườn nhà.

Vì vậy, năm 2014 chị Chuyên quyết định mua thêm 300 cây nhãn về trồng. Đến nay, vườn nhãn của gia đình chị Chuyên đã có 700 cây, trong đó có 400 cây cho thu hoạch năm đầu tiên. Mùa nhãn này gia đình chị ước thu về gần 11 tấn quả, được thương lái mua tại vườn với giá bán 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí có lãi 300 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng cà phê trước đây.

Không chỉ trồng cây lấy quả, chị Chuyên còn phát triển sản xuất cây giống bằng phương pháp chiết cành bán cho bà con trong thôn và các xã lân cận với giá bán 30.000 đồng/cây. Cây nhãn chiết được trồng phát triển mạnh, dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng khá nhanh, sau 3 - 4 năm cho thu hoạch từ 25 - 30 kg quả/cây.

Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Hu cho biết: “Mô hình trồng nhãn lồng Hưng Yên của gia đình chị Chuyên có hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với trồng cà phê trước đây. Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ xã sẽ tổ chức cho hội viên học hỏi kinh nghiệm trồng nhãn; khuyến khích nhân rộng mô hình này để hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, mang lại thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình”.

Mỹ Hằng     


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.