Multimedia Đọc Báo in

Chính sách tín dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp: Liệu có khả thi?

08:26, 25/09/2017

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ đầu năm 2017, nhiều ngân hàng đã lập ra gói tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN).

Một trong những ngân hàng đầu tiên mở gói tín dụng cho DNKN là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) với gói tín dụng 3 nghìn tỷ đồng được triển khai đến hết 31-12-2017 hoặc đến khi giải ngân hết. Đối tượng áp dụng là DNKN có thời gian hoạt động đến thời điểm giải ngân dưới 12 tháng và đáp ứng điều kiện của VietinBank, có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trong thời gian triển khai chương trình. Lãi suất ưu đãi từ 7,0%/năm trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày giải ngân áp dụng với các khoản vay ngắn hạn.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng triển khai chương trình tín dụng hỗ trợ DNKN có quy mô 2 nghìn tỷ đồng, áp dụng với các khoản vay ngắn hạn và trung, dài hạn, với lãi suất thấp hơn lãi suất vay thông thường từ 1-1,5%/năm. Chương trình tín dụng này của BIDV cũng được triển khai đến hết ngày 31-12-2017 hoặc khi đạt quy mô của chương trình. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần khác trên địa bàn tỉnh cũng cho biết, mặc dù chưa đưa ra các gói tín dụng cụ thể cho DNKN, nhưng nếu các DN mới thành lập, có ý thưởng, dự án, phương án sản xuất kinh doanh tốt sẽ được các ngân hàng này cho vay với lãi suất ưu đãi.

Khách hàng giao dịch  tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP  Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Đắk Lắk.
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Đắk Lắk.

Lý thuyết là vậy, nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh, việc giải ngân các gói tín dụng như trên hầu như chưa có ngân hàng nào thực hiện được. Đại diện BIDV Bắc Đắk Lắk cho rằng, việc cấp tín dụng cho DNKN chứa đựng nhiều rủi ro nên phía ngân hàng rất e ngại. Bởi hầu hết DNKN không có tài sản thế chấp, ý tưởng khởi nghiệp lại không phải là tài sản bảo đảm nợ vay. Trong khi đó, vấn đề thẩm định hiệu quả các ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh của các ngân hàng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Nếu ngân hàng cấp vốn cho DNKN khi không đủ các cơ sở cần thiết, khi rủi ro xảy ra, không chỉ ngân hàng mà cả cá nhân ra quyết định cho vay cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Chính vì có quá nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát nên ngân hàng rất khó cho vay.

Thực tế, nhiều người có ý tưởng kinh doanh, nhưng việc tiếp cận vốn vay tại ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Anh Hoàng Văn Thuyết (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, hiện anh đang có một số ý tưởng kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản chất lượng cao, trong đó một số ý tưởng đã được xây dựng thành đề án cụ thể, nhưng khi tiếp cận với các ngân hàng anh đều bị từ chối cho vay. Nguyên nhân các ngân hàng đưa ra là tài sản bảo đảm quá nhỏ so với nhu cầu vay vốn phục vụ các dự án. Chưa kể nếu vượt qua được khó khăn trên, vấn đề lãi suất và thời gian vay vốn cũng là trở ngại không nhỏ đối với DNKN. Chẳng hạn, lãi suất ưu đãi cho DNKN tại VietinBank và BIDV chỉ áp dụng trong 6 tháng đầu tiên, thời gian sau đó DN vẫn phải chịu lãi suất thông thường. Cùng với đó, lãi suất ưu đãi tại hầu hết các ngân hàng cũng chỉ áp dụng đối với các khoản vay ngắn hạn, trong khi để một dự án, ý tưởng khởi nghiệp phát huy hiệu quả đòi hỏi phải có thời gian.

Theo lãnh đạo một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh, để tín dụng cho DNKN đi vào thực tế và phát huy tác dụng như mong đợi, bên cạnh nỗ lực của ngân hàng còn cần có sự vào cuộc của địa phương. Thông qua các cơ quan chuyên môn liên quan, địa phương phải góp vai trò thẩm định, tạo điều kiện để bảo đảm hiệu quả của ý tưởng khởi nghiệp. Lúc ấy, ngân hàng mới có thể mạnh dạn khơi thông nguồn vốn này.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.