Các dự án chăn nuôi đại gia súc: Bao giờ có đủ "đất sạch" ?
Vài năm gần đây, Đắk Lắk đón nhận một làn sóng đầu tư khá mạnh vào lĩnh vực chăn nuôi với những dự án quy mô lớn, kéo theo hy vọng xây dựng ngành chăn nuôi hiện đại, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các dự án vẫn khá ì ạch và hiệu quả mang lại chưa như kỳ vọng.
Một trong những dự án triển khai sớm nhất là Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt do Công ty TNHH Liên hợp công-nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ thực hiện. Dự án được thuê 1.513 ha đất tại thôn 8, xã Ea Lai, huyện M’Đrắk, với tổng vốn đầu tư gần 224 tỷ đồng. Bắt đầu khởi động từ năm 2008, tính đến cuối 2016, Công ty đã nhập 3.223 con bò thịt từ Australia về nuôi vỗ béo. Bên cạnh đó, với mục đích cải tạo nguồn gen bò vàng địa phương, Công ty đã gây tạo được 319 bò cái sinh sản và cho sinh sản thành công 774 bê con có trọng lượng sơ sinh từ 18-40 kg/con, cá biệt có những bê con sơ sinh đạt trên 50 kg/con là những con lai từ bò cái sinh sản nền cho phối với tinh bò đông lạnh giống BBB của Bỉ.
Trang trại nuôi bò của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk ở xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo). |
Mặc dù dự án đã hoạt động gần 10 năm nhưng theo báo cáo của Công ty thì đến nay công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao “đất sạch” cho công ty sản xuất vẫn còn đang dang dở, chưa dứt điểm, chưa đủ số diện tích 1.513 ha theo Quyết định của UBND tỉnh. Đến nay, công ty mới tiếp nhận quản lý trên 338 ha, còn lại trên 660 ha (thuộc đất thu hồi của Công ty lâm nghiệp) công ty chưa tiếp nhận và 6,1 ha bị xâm canh lấn chiếm (do một số hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng không chịu bàn giao)… Phía công ty mong muốn, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm những hộ đã nhận tiền đền bù mà không chịu bàn giao mặt bằng và những hộ lấn chiếm vùng trung tâm dự án để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho Công ty.
Tương tự, dự án chăn nuôi bò sữa tại xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất thương mại XNK Phước Thành, quy mô 10.000 con trên diện tích đất 730 ha, tổng kinh phí đầu tư gần 388 tỷ đồng. Theo phía công ty cho biết, từ năm 2015 đến thời điểm 30-6-2017, Công ty đã lập hồ sơ và tiến hành chi trả tiền hỗ trợ GPMB cho 189/277 hộ xâm canh, tổng diện tích đất đã hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) là 2.421.206 m2; tổng số tiền đã chi trả trên 8,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn còn nhiều hộ dân không đồng thuận giao đất và nhận tiền hỗ trợ theo phương án của chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ea H’leo đưa ra, đặc biệt ở 3 vị trí trọng điểm của dự án là khu chuồng bò, khu nhà máy chế biến sữa và trục đường chính vào dự án. Do vậy, về mục tiêu chính của dự án cũng như tiến độ triển khai dự án vẫn còn chậm, chưa thể triển khai được. Hiện công ty mới tiến hành sản xuất, trồng trọt để chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc sắp tới (chủ yếu là trồng cỏ), với 59,04 ha và dự tính mở rộng diện tích lên 150 ha. Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục cùng chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền vận động người dân giao đất, nhận tiền hỗ trợ. Ngoài ra, Công ty cũng mong UBND tỉnh sớm chỉ đạo xã, huyện rà soát quỹ đất tại địa phương để bố trí đất sản xuất khác, di dời những hộ dân chưa giao đất ra khỏi vùng dự án.
Hai dự án còn lại về chăn nuôi bò thịt, bò sữa của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk (quy mô 90.000 con, trên địa bàn 2 huyện Ea Súp, Ea H’leo, tổng vốn đầu tư trên 6,5 nghìn tỷ đồng) và Công ty TNHH chăn nuôi Phúc Lâm (quy mô 2.000 con bò thịt nuôi dưới tán rừng trên địa bàn xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tổng vốn đầu tư 37 tỷ đồng) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo kiến nghị của các công ty, các cấp có thẩm quyền cần có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng, xâm canh trên diện tích thực hiện dự án để tiến độ dự án được triển khai thuận lợi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các dự án chăn nuôi quy mô lớn đầu tư vào Đắk Lắk đã mở ra cơ hội cho ngành chăn nuôi phát triển theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành. Tuy nhiên, do vướng ở khâu GPMB nên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ cũng như hoạt động của các dự án. Đây cũng chính là “nút thắt” khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi đầu tư vào Đắk Lắk. Mới đây, cũng đã có một số tập đoàn, công ty lớn về chăn nuôi muốn đầu tư vào Đắk Lắk và vấn đề đầu tiên họ quan tâm là “đất sạch” để thực hiện dự án. Do đó, để chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp đạt kết quả như mong đợi thì việc thực hiện tốt khâu GPMB là yếu tố tiên quyết để thu hút cũng như giữ chân các nhà đầu tư.
Theo Sở NN-PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có 4 dự án về chăn nuôi bò thịt, bò sữa đang triển khai thực hiện, với tổng vốn đầu tư trên 7,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dự án của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk có quy mô và vốn đầu tư lớn nhất. Tuy nhiên, các dự án đều đang vướng ở khâu giải phóng mặt bằng nên hiệu quả mang lại chưa như kỳ vọng. |
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc