Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ bò sinh sản-kênh thoát nghèo hiệu quả

08:23, 21/11/2017

Công trình “18 con bò sinh sản - chung tay cùng phụ nữ nghèo” do Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay đã và đang giúp nhiều gia đình hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Gia đình chị Lê Thị Thanh Vỹ (tổ dân phố 12, phường Tân An) thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Không nhà ở và đất sản xuất, lâu nay bốn mẹ con chị Vỹ ở trong căn nhà tạm rộng hơn 10 m2 thuê với giá 2 triệu đồng/năm. Cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào số tiền công chị nhận may gia công chăn, màn hằng ngày. Vì thế, con trai đầu của chị phải bỏ học từ năm lớp 9 để đi làm thuê, phụ giúp mẹ nuôi 2 đứa em ăn học. Trước hoàn cảnh đó, thực hiện chương trình trao bò sinh sản cho phụ nữ nghèo của Hội LHPN thành phố, năm 2016 Hội Phụ nữ phường Tân An đã vận động hội viên quyên góp tiền mua một 1 con bò mẹ và 1 bê con hỗ trợ gia đình chị để phát triển kinh tế. 

Chị Lê Thị Thanh Vỹ chăm sóc đàn bò để phát triển kinh tế gia đình
Chị Lê Thị Thanh Vỹ chăm sóc đàn bò để phát triển kinh tế gia đình.
 
“Công trình hỗ trợ bò sinh sản cho phụ nữ nghèo thể hiện sự tương thân, tương ái, giúp nhau thoát nghèo, ổn định cuộc sống của chị em phụ nữ; cũng là một trong những giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố”
 
Bà Đỗ Thị Kim DũngChủ tịch Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột

Chị Vỹ phấn khởi bày tỏ: “Một mình nuôi 3 đứa con nên cuộc sống của gia đình luôn chật vật, thiếu thốn, công việc may vá thì bấp bênh bởi không phải lúc nào cũng có đơn hàng. Những tưởng mình sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi cảnh nghèo nhưng nhờ Hội Phụ nữ phường hỗ trợ bò giống tôi rất mừng và cố gắng chăm sóc để phát triển đàn bò, tạo nguồn thu nhập ổn định lâu dài”. Đến nay, đàn bò đã tăng lên 3 con, trong đó 2 con đang mang thai. Mới đây, gia đình chị Vỹ đã được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Thiện, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tân An, thực hiện công trình “18 con bò sinh sản – chung tay cùng phụ nữ nghèo” do Hội LHPN thành phố phát động, Hội đã vận động chị em hội viên đóng góp trên 35 triệu đồng. Qua đó, đã mua bò sinh sản hỗ trợ hai hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Hội cũng đã hỗ trợ các chị em vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức, do đó đến nay trong tổng số hơn 3.000 hội viên thì chỉ còn 5 hộ phụ nữ nghèo.

Cũng như phường Tân An, Hội Phụ nữ xã, phường khác cũng đã chung tay đóng góp kinh phí mua bò sinh sản giúp hội viên nghèo. Đối với những đơn vị không có hội viên nghèo thì trao tặng cho đơn vị kết nghĩa. Đơn cử như phường Thắng Lợi tặng bò cho phụ nữ nghèo ở đơn vị kết nghĩa là xã Ea Tu; phường Thống Nhất tặng bò cho phụ nữ nghèo xã Ea Kao; Hội Phụ nữ Công an thành phố tặng bò cho phụ nữ xã Cư Êbur…

Đến nay, công trình của Hội LHPN thành phố đã huy động được 323 triệu đồng, qua đó trao 19 con bò cho phụ nữ nghèo (tăng 1 con so với chỉ tiêu ban đầu). Các hộ được tặng bò đã ký cam kết với Hội phụ nữ địa phương nuôi, chăm sóc bò mang lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, nhờ được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, hầu hết đàn bò được hỗ trợ đều sinh trưởng, phát triển tốt. Theo quy định, khi bò sinh bê con thứ 3, bê con này sẽ được tặng lại cho hội viên phụ nữ nghèo khác tại địa phương. Lũy kế đến nay, đã phát triển lên 20 con bò sinh sản và 15 con bê.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.