Multimedia Đọc Báo in

Nghị định 108 về quản lý phân bón: Nhiều thuận lợi cho ngành Nông nghiệp

08:20, 21/11/2017

Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20-9-2017 của Chính phủ về quản lý phân bón (Sau đây gọi NĐ 108) có hiệu lực ngay khi ban hành thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27-11-2013 (NĐ 202) đã mở ra nhiều kỳ vọng mới cho ngành Nông nghiệp trong khâu quản lý phân bón.

Theo NĐ 202, phân bón vô cơ do Bộ Công thương quản lý về mặt nhà nước, phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác do Bộ NN-PTNT quản lý. NĐ 108 thay thế NĐ 202 quy định thống nhất đầu mối và chịu trách nhiệm chung về quản lý phân bón (bao gồm phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác) do Bộ NN-PTNT quản lý.  Việc chuyển hướng đơn vị quản lý nhà nước về phân bón đang được các bên liên quan đánh giá là hợp lý bởi mục đích của việc sử dụng phân bón là bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng và hoạt động này chỉ đem lại hiệu quả khi phân bón đúng chất lượng, bón đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách.

Một  cơ sở  kinh doanh phân bón  trên  địa bàn  huyện  M'Đrắk.
Một cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện M'Đrắk.

Dựa vào NĐ108, ngành Nông nghiệp vừa có thể thẩm định tính hiệu quả của các công thức phân bón vừa có những định hướng, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón phù hợp trên các loại cây trồng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để ngành tiếp cận và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác quản lý nhà nước về phân bón, bởi phân bón tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng của cây trồng. Khi được nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ ngành có thể vừa kiểm tra vừa hướng dẫn các cơ sở kinh doanh và người dân cách sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm, tránh sự tồn dư hóa chất  không bảo đảm quy định trong quá trình sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường.

Để thực thi hiệu quả nghị định này, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh thực hiện NĐ 108. Tại Đắk Lắk, Sở NN-PTNT đã có Công văn số 2465/SNN-TTBVTV ngày 2-11-2017 về việc triển khai thực hiện NĐ 108, theo đó giao trực tiếp cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, Chi cục đang tiếp nhận các hồ sơ liên quan đến công tác quản lý phân bón từ Sở Công thương. Đồng thời xây dựng phương án để thực hiện các nhiệm vụ giám sát, kiểm tra hoạt động khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kinh doanh phân bón vô cơ; kế hoạch thanh, kiểm tra hằng năm và xử phạt các hành vi vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn…

Còn với các cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón thì NĐ 108 cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn so với trước. Bà Đặng Thị Đào, chủ một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp ở thị trấn Ea Kar  (huyện Ea Kar) cho hay, bình quân mỗi năm cơ sở đón tiếp trên 5 đoàn thanh, kiểm tra khác nhau liên quan đến hoạt động kinh doanh phân bón. Do đó, khi công tác quản lý phân bón vô cơ được giao về ngành Nông nghiệp thì sẽ giảm bớt số lượt thanh tra giúp cơ sở có thời gian chuyên tâm cho việc kinh doanh. Ngoài ra, việc nhận diện phân bón thật, giả lưu hành trên thị trường rất khó nên bà cho rằng ngành Nông nghiệp cần quan tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng về chuyên môn giúp các đại lý, cửa hàng có những kiến thức cơ bản để nhận diện phân bón thật, giả để phục vụ nhà nông ngày càng hiệu quả…

Theo ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bên cạnh những thuận lợi cơ bản thì việc quản lý cũng đang gặp nhiều khó khăn khi số lượng phân bón trên thị trường hiện nay quá lớn, trên 14.000 loại phân bón khác nhau, trong khi đó, lực lượng thanh, kiểm tra của đơn vị còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm về quản lý phân bón vô cơ. Còn bản thân 713 cơ sở kinh doanh phân bón hiện có trên địa bàn tỉnh lại chưa được tập huấn chuyên môn về loại sản phẩm này nên áp lực thực hiện NĐ 108 rất lớn. Hiện tại, đơn vị đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện NĐ 108, đồng thời cắt cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn của Bộ NN-PTNT tổ chức để có thể tiếp cận và thực hiện nhiệm vụ quản lý hiệu quả nhất có thể.

Theo số liệu của Cục Thống kê Đắk Lắk, diện tích sản xuất nông nghiệp hằng năm trên toàn tỉnh là 650.000 ha và cần khoảng 800.000 tấn phân bón vô cơ, 80.000 tấn phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác. 

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.