Multimedia Đọc Báo in

Người trồng tiêu đối mặt với nhiều khó khăn sau bão

10:27, 13/11/2017

Cơn bão số 12 quét qua khu vực Đắk Lắk trong mấy tiếng đồng hồ nhưng đã để lại những thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây hồ tiêu.

Mặc dù không nằm trong tâm bão nhưng các vườn tiêu ở huyện Cư Kuin cũng bị thiệt hại khá nặng nề. Riêng xã Ea Bhốk, hầu như vườn nào cũng có trên dưới 100 trụ tiêu bị gãy, đổ. 

Anh Ngô Thời Anh (thôn Giang Điền, xã Ea Puk) đang dựng lại các trụ tiêu.
Anh Ngô Thời Anh (thôn Giang Điền, xã Ea Puk) đang dựng lại các trụ tiêu.

Anh Nguyễn An Thạnh, ở thôn 3 cho biết, ngay khi bão tan, anh ra vườn kiểm tra mà không tin vào mắt mình, vườn tiêu đang chuẩn bị cho thu hoạch gãy, đổ la liệt, với gần 100 trụ, trái rụng xanh gốc; chưa kể những trụ bị nghiêng. Mấy hôm nay anh phải thuê 4-5 người để dựng lại một số trụ có khả năng phục hồi và cắt bỏ hoàn toàn 50 trụ bị thiệt hại nặng. Những trụ dựng được lên cũng chỉ để vớt vát trong vụ này, vì nhánh tiêu chính đã bị gãy nên thu hoạch xong là phải cắt bỏ để nuôi chồi mới, và mất ít nhất 2 năm mới có được hiện trạng như bây giờ. Vườn tiêu 1,7 ha của gia đình anh trồng được 5 năm, năm nay mới chính thức cho thu hoạch, năng suất ước đạt khoảng 7 tấn/ha. Bao nhiêu vốn liếng đổ vào đây những tưởng năm nay sẽ trả hết nợ ngân hàng (100 triệu đồng), ai ngờ lại phải tốn thêm chi phí để khắc phục mà năng suất lại giảm đến 50% (đối với những trụ bị đổ). Trước tình hình trên, anh mong muốn các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân, nhất là về công tác phòng chống bệnh dịch sau bão, bởi cây tiêu rất mẫn cảm với các loại bệnh, nếu không xử lý kịp thời thì thiệt hại sau bão sẽ còn lớn hơn nữa…

Tương tự, vườn tiêu nhà ông Nguyễn Hữu Thọ cũng tơi tả không kém, với khoảng 70/700 trụ bị gãy hoàn toàn, gia đình đang đặt làm ròng rọc (1,4 triệu đồng) để dựng lại các trụ tiêu lên, và phải mất thêm cả triệu đồng nữa để mua dây cột neo lại. Thiệt hại nặng hơn là vườn tiêu 5 sào của anh Nguyễn Hữu Hà, trồng năm 2014, đầu tư trên tỷ 1 đồng, trong đó vay ngân hàng 300 triệu, năm nay mới bắt đầu cho thu hoạch. Do ảnh hưởng bão, trụ tiêu lại bằng cây gòn (dễ gãy) nên vườn tiêu bị ngã rất nhiều, khoảng trên 100 trụ. Các hộ trồng tiêu ở đây cho biết, do chi phí đầu tư cho vườn tiêu rất cao nên hầu như nhà nào cũng vay tiền ngân hàng, nhất là những hộ mới trồng. Vì vậy, rất mong tỉnh có chính sách khoanh, giãn nợ cho các hộ có vay vốn ngân hàng bị thiệt hại trong cơn bão số 12 này.

Trụ tiêu trong vườn của ông Nguyễn Hữu Thọ (thôn 3, xã Ea Bhốk) bị gãy đổ.
Trụ tiêu trong vườn của ông Nguyễn Hữu Thọ (thôn 3, xã Ea Bhốk) bị gãy đổ.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng NN-PTNT huyện, trên địa bàn Cư Kuin có 20 ha tiêu bị ảnh hưởng nặng, với khoảng 15.000 trụ tiêu bị đổ, nặng nhất là xã Ea Bhốk (1.000 trụ). Phòng cũng đã cử cán bộ xuống các xã kiểm tra tình hình để có giải pháp hỗ trợ sớm nhất cho người dân.

Trong khi đó, ở huyện Krông Năng cũng có 244 ha hồ tiêu bị thiệt hại, trong đó, chủ yếu tập trung tại các xã Ea Puk, Tam Giang, Ea Đăh, Cư Klông… Theo ông Nguyễn Phiến (thôn Tam Bình, xã Cư Klông), chỉ sau 1 đêm vườn tiêu của ông  (600 trụ, trồng được 5 năm) đã bị đổ sập mất 350 gốc. Ngay sau khi bão tan, cả gia đình lập tức ra vườn để kéo đỡ các trụ tiêu bị nghiêng, gãy đổ. Không giấu được nỗi xót xa, ông Phiến cho hay, trong 350 gốc thì có hơn 60% bị đổ hoàn toàn, không thể khắc phục được, số còn lại được gia đình kéo lên, dựng lại trụ, dùng dây, gạch che chắn nhưng khả năng sống sót rất thấp. Ông ước tính thiệt hại vào khoảng 200 - 300 triệu đồng gồm tiền đầu tư trước đó và chi phí khắc phục vườn tiêu sau bão... Trên địa bàn xã Ea Puk cũng thiệt hại gần 4.000 trụ tiêu, tập trung chủ yếu ở thôn Giang Điền, Giang Sơn….

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, theo thống kê sơ bộ của các địa phương, toàn tỉnh có gần 4.000 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại, trong đó, diện tích hồ tiêu khoảng gần 480 ha. Hầu hết các vùng trồng tiêu đều bị ảnh hưởng, nhất là những địa phương gần tâm bão, trong đó có nhiều vườn tiêu ở Krông Năng, M’Đrắk, Ea Kar gần như bị đổ hoàn toàn.

Minh Thuận – Nguyễn Dung

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.