Phát triển du lịch từ kết nối vùng miền
Là khu vực có lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, di tích lịch sử để phát triển du lịch, những năm qua các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đang nỗ lực tìm hướng đi, giải pháp phù hợp để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Với 19 tỉnh, thành phố, miền Trung - Tây Nguyên có sự khác biệt tương đối rõ nét về điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hóa, phong tục tập quán của các cộng đồng dân cư. Đây là một trong những lợi thế để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch. Nếu như bãi biển đẹp, cùng với các di tích lịch sử, văn hóa là lợi thế của các tỉnh, thành duyên hải miền Trung thì khu vực Tây Nguyên lại có khí hậu khá mát mẻ, thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa bản địa đa dạng, đặc sắc. Thêm vào đó, khu vực này có thể dễ dàng kết nối với các nước trong khu vực, nhất là Lào và Campuchia nhằm tạo thành các tour du lịch hấp dẫn nên hứa hẹn sẽ là khu vực phát triển du lịch sôi động trong cả nước.
Lễ hội đua voi, sản phẩm đặc thù hấp dẫn du khách của du lịch Đắk Lắk. |
Hiện thực hóa mục tiêu này, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nỗ lực, chủ động hợp tác, liên kết để phát huy tiềm năng du lịch, nâng cao sức hấp dẫn, sức cạnh tranh của các điểm đến trong từng địa phương và trong toàn khu vực. Nhiều địa phương đã trở thành thương hiệu du lịch nổi bật trong khu vực, như: TP. Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Mũi Né, Đà Lạt … Bên cạnh đó, một số điểm đến đang dần khẳng định thương hiệu như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Yên, Đắk Lắk...
Là một trong những tỉnh trọng điểm du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ, ngành Du lịch Nghệ An đang tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá, tổ chức nhiều hoạt động nhằm kích cầu du lịch, thu hút khách ở khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Với khá đông người dân Nghệ An đang sinh sống và làm việc ở khu vực này, nhu cầu giao lưu kinh tế - văn hóa giữa Nghệ An và các tỉnh Tây Nguyên ngày càng tăng; khoảng cách địa lý và thời gian đi lại giữa Nghệ An và các tỉnh trong khu vực đang được rút ngắn với các đường bay Vinh - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Vinh - Pleiku (Gia Lai), Vinh - Đà Lạt (Lâm Đồng) là tiềm năng để kết nối du lịch Nghệ An với các tỉnh Tây Nguyên và ngược lại. Sở Du lịch Nghệ An đã tổ chức Chương trình khảo sát và giới thiệu quảng bá xúc tiến du lịch tại các tỉnh Tây Nguyên hồi cuối tháng 10 vừa qua tại TP. Buôn Ma Thuột với mong muốn tạo cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú, các trung tâm giải trí trên địa bàn tỉnh Nghệ An trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin, đi đến ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp du lịch của các tỉnh Tây Nguyên.
Doanh nghiệp du lịch, lữ hành của Nghệ An và các tỉnh Tây Nguyên cùng tìm hiểu cơ hội đầu tư và kết nối tour tuyến. |
“Để thúc đẩy ngành du lịch của khu vực này phát triển, định vị được thương hiệu trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới thì các địa phương cần bắt tay nhau, liên kết, hợp tác trong đào tạo nhân lực, trao đổi thông tin, hỗ trợ tài chính, hợp tác quảng bá, tổ chức sự kiện... nhằm tạo ra những sản phẩm đặc thù, không chồng chéo và có thể bổ trợ cho nhau”.
Ông Dương Hoàng Vũ, Phó Giám đốc Sở Du lịch nghệ An
|
Ông Dương Hoàng Vũ, Phó Giám đốc Sở Du lịch nghệ An cho biết: “Du lịch miền Trung - Tây Nguyên còn lạc hậu, nhàm chán, phát triển theo hướng trải đều, thiếu điểm nhấn nên chưa khẳng định vị thế cũng như phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình. Để tiến tới xây dựng thương hiệu chung cho khu vực này, biến khu vực thành trọng điểm phát triển du lịch theo đúng mục tiêu chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, các địa phương cần tiếp tục cải thiện về cơ chế chính sách hợp tác đầu tư, tăng cường hơn nữa sự liên kết hợp tác về quảng bá xúc tiến du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng thương hiệu du lịch của vùng.”
Sự lỏng lẻo trong kết nối, giao lưu hợp tác cũng là một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động khai thác, kinh doanh du lịch của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, kết nối cũng là một trong những phương thức giúp doanh nghiệp lữ hành cùng nhau chia sẻ thông tin về điểm đến, khách sạn, nhà hàng, tạo sự tương tác, gắn kết, gần gũi, giúp đỡ lẫn nhau nhau trong khai thác du lịch.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc