Tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp
Thành lập các hợp tác xã (HTX) thanh niên là hướng đi phù hợp, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho thanh niên được các tổ chức Đoàn tập trung chỉ đạo thực hiện.
Thành lập vào tháng 1-2017 với lĩnh vực sản xuất nấm rơm tại gia đình, HTX nấm và dịch vụ nông nghiệp Ea Súp (xã Ya Tờ Mốt) đã huy động được 7 thanh niên địa phương tham gia, số vốn điều lệ ban đầu là 182 triệu đồng. Ngoài việc lựa chọn giống tại các đơn vị cung ứng uy tín, Ban điều hành HTX còn hỗ trợ các thành viên về kỹ thuật, đồng thời liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện nay, mỗi tháng HTX cung cấp ra thị trường trên 2 tấn nấm rơm với giá bán ổn định 70 nghìn đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng cho các thành viên.
Anh Đỗ Văn Thái, thành viên HTX chia sẻ: Khi chưa thành lập HTX, trên địa bàn cũng có một số thanh niên đã thử nghiệm trồng nấm nhưng với quy mô nhỏ lẻ, do vậy thường thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất. Từ khi thành lập HTX, các thành viên có điều kiện học hỏi thêm kinh nghiệm. Dù mới hoạt động chưa lâu nhưng HTX đã phần nào tháo gỡ được những khó khăn về vốn và giải quyết được đầu ra cho sản phẩm.
Thành Đoàn Buôn Ma Thuột giới thiệu một số mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên trên địa bàn trong Ngày hội thanh niên nông thôn tỉnh Đắk Lắk năm 2017. |
Cuối tháng 11 vừa qua, HTX thanh niên Phú Xuân (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Anh Vũ Danh Nghiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết: Mỗi thành viên tham gia HTX đều có thế mạnh riêng (về vốn, kỹ thuật, khả năng tìm kiếm thị trường...) nhưng cùng hợp tác để sản xuất kinh doanh bền vững theo hướng kinh tế tập thể, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều thanh niên địa phương. Hiện nay, HTX có 27 thành viên tham gia với các ngành nghề: xây dựng công trình dân dụng, thủy lợi; mua bán hàng điện tử, điện lạnh; mua bán vật liệu xây dựng, hàng trang trí nội thất; mua bán nông sản các loại; vận tải hàng hóa, hành khách…
Nhằm hỗ trợ, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình HTX thanh niên, thời gian qua, các cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp ĐVTN hiểu rõ ý nghĩa, vai trò của các HTX; phối hợp với các ban, ngành tư vấn pháp lý cho thanh niên về nội dung liên quan đến phát triển loại hình HTX thanh niên. Qua đó, giúp ĐVTN hiểu rõ cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của mô hình để tham gia. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ vốn cho các tổ hợp tác và HTX thanh niên luôn được Tỉnh Đoàn chú trọng. Hiện nay, Tỉnh Đoàn đang quản lý hơn 1,2 tỷ đồng vốn vay 120 của Trung ương Đoàn cho 34 dự án phát triển kinh tế của thanh niên, qua đó giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động.
Một số sản phẩm nông nghiệp của thanh niên huyện Ea Súp. |
Để duy trì hiệu quả cũng như hướng tới nhân rộng mô hình HTX thanh niên, anh Nguyễn Đình Khiêm, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị Tỉnh Đoàn cho biết: Thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Tỉnh Đoàn sẽ phối hợp tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho đội ngũ lãnh đạo các HTX; chủ động tham mưu với các cấp, ngành, chính quyền địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn về thủ tục thành lập, cơ chế hỗ trợ, đồng thời khuyến khích xây dựng mới loại hình HTX phù hợp, phát huy được thế mạnh của địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 HTX thanh niên: HTX nấm và dịch vụ nông nghiệp Ea Súp (huyện Ea Súp), HTX thanh niên Phú Xuân, HTX thanh niên Ea Tân (huyện Krông Năng), HTX giống cây trồng thanh niên Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) và HTX thanh niên Cư Pơng (huyện Krông Búk). Các HTX hoạt động chủ yếu ở những ngành nghề như trồng trọt, dịch vụ nông nghiệp.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc