Multimedia Đọc Báo in

Triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt: Cần sớm có sự vào cuộc của địa phương

18:09, 02/12/2017

Ngày 30-12-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg (Quyết định 2545) phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Thời gian thực hiện các mục tiêu của Đề án không còn nhiều, nhưng đến nay vẫn chưa có sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh.

Đề án trên nhằm mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ rệt về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, làm thay đổi dần tập quán sử dụng phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông, bảo đảm an ninh, an toàn của các hệ thống thanh quyết toán; nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế. Đây là một Đề án lớn, phạm vi rộng, việc triển khai thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ của UBND các cấp, các sở, ngành và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Do đó, để thực hiện Quyết định 2545, ngày 24-4-2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (NHNN) đã chủ động có văn bản tham mưu UBND tỉnh về việc ban hành chỉ thị thực hiện Quyết định 2545, trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ của UBND các cấp, các sở, ngành, đơn vị liên quan. Đáng chú ý là ngoài nhiệm vụ của ngành Ngân hàng, văn bản tham mưu đã chỉ rõ nhiệm vụ phải thực hiện căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành.

Khách hàng đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử tại Công ty Điện lực Đắk Lắk.
Khách hàng đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử tại Công ty Điện lực Đắk Lắk.

Chẳng hạn, ngành Công thương cần tham mưu UBND tỉnh có chính sách, chương trình nhằm khuyến khích các đơn vị cung ứng dịch vụ điện, nước, điện thoại... thanh toán cước qua hệ thống ngân hàng thương mại; khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng phương tiện thanh toán điện tử... Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế, Hải quan tỉnh thực hiện tốt công tác trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách; phối hợp trao đổi thông tin để đáp ứng tốt yêu cầu thu ngân sách Nhà nước bằng phương thức điện tử. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn thực hiện tốt các quy định có liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp công...

 
“Thời gian thực hiện Đề án không còn nhiều, do đó nếu muốn hoàn thành các chỉ tiêu mà đề án đưa ra, bên cạnh việc ban hành chỉ thị để đưa các cấp, ngành liên quan vào cuộc, tỉnh cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo riêng cho vấn đề này” 
 
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk Lê Hoài Nhơn

Cùng với những nội dung trên, Dự thảo Chỉ thị cũng nêu rõ nhiệm vụ của ngành Thông tin – Truyền thông, Điện lực, các đơn vị viễn thông, Công an, tùy vào chức năng, nhiệm vụ của mình mà góp phần đẩy nhanh việc thực hiện Đề án không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Sau khi nhận được tham mưu của NHNN, ngày 16-1-2017, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với NHNN và các đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai thực hiện. Thế nhưng sau hơn 10 tháng, đến nay UBND tỉnh vẫn chưa thể ban hành được chỉ thị. Theo một cán bộ Sở Tài chính, Dự thảo Chỉ thị đang được lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương nên chưa thể trình UBND tỉnh. Thế nhưng, một trong những đơn vị liên quan đến Chỉ thị này là Công ty Điện lực Đắk Lắk đến nay vẫn chưa nhận được bản dự thảo thì lấy gì mà góp ý. Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk Lê Hoài Nhơn cho biết, là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, nên đơn vị rất mong địa phương sớm có những chính sách cụ thể để hỗ trợ. Do đó, nếu nhận được bản dự thảo, đơn vị sẽ thực hiện ngay việc góp ý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án của Chính phủ tại địa phương.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc