Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả mô hình phát triển cà phê bền vững

15:42, 11/01/2018

Thực hiện Dự án (DA) Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng các mô hình trình diễn phát triển cà phê bền vững và đem lại những hiệu ứng tích cực.

Gia đình ông Lý Văn Đông, xã Ea Tân (huyện Krông Năng) là một trong những hộ dân được hưởng lợi từ DA VnSAT cho biết, tháng 4-2017 gia đình được Dự án hỗ trợ 50% chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để chăm sóc vườn cà phê rộng 0,5 ha. Đồng thời, được cán bộ khuyến nông bám sát, hướng dẫn kỹ thuật bón phân, chăm sóc theo tiến độ sinh trưởng nên vườn cây phát triển tốt, lá xanh, bộ tán phân bố đều, tỷ lệ quả rụng thấp và số cành dự trữ nhiều hơn so với vườn cây đối chứng. Đặc biệt, việc cắt tỉa cà phê được thực hiện thường xuyên nên mức độ nhiễm sâu bệnh giảm, chi phí đầu tư giảm gần 2 triệu đồng nhưng năng suất cao hơn 1,5 tạ/ha, thu nhập tăng 7 triệu đồng so với vườn cây đối chứng.

Người dân tham quan mô hình trình diễn tái canh cà phê do Dự án VnSAT hỗ trợ.
Người dân tham quan mô hình trình diễn tái canh cà phê do Dự án VnSAT hỗ trợ.

Tương tự, gia đình bà Lê Thị Thiện, xã Ea Púk cũng có vườn cà phê mô hình tái canh rộng 0,6 ha được hưởng lợi từ DA chia sẻ, từ trước đến nay gia đình chủ yếu chăm sóc vườn cà phê theo kinh nghiệm, bón phân khi có tiền mua phân bón hoặc khi có nhân công nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Từ khi tham gia mô hình (tháng 5-2017), bà được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách bón phân theo tiến độ sinh trưởng vườn cây trong năm, phòng trừ bệnh theo nguyên tắc quản lý dịch hại tổng hợp IPM, làm cỏ, tủ gốc vào mùa khô, hạn chế sự thoát hơi nước trên vườn, sử dụng nước tưới tiết kiệm… nên hiện tại vườn cây vẫn sinh trưởng tốt, tỷ lệ cây sống đạt 95%, cây cao từ 70-110cm, có 7-10 cặp cành phân bố đều.

Thực hiện DA VnSAT, năm 2017 ngành khuyến nông đã xây dựng 19 mô hình phát triển cà phê bền vững trên 14,8 ha, trong đó có 11 mô hình sản xuất cà phê bền vững (8,5 ha), 8 mô hình tái canh cà phê bền vững (6,3 ha).

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh thì các mô hình được thực hiện theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng các lợi thế về đất đai, khí hậu để canh tác cà phê đã thay đổi nhận thức của nông dân trong cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, các mô hình đã củng cố và nhân rộng sự tiếp cận các kiến thức thực tiễn về cách chọn giống; vai trò của việc tỉa cành, tạo tán đối với năng suất vườn cây; kỹ thuật tái canh cà phê thông qua 45 lớp tập huấn đầu bờ với hơn 1.500 lượt nông dân trên địa bàn tỉnh tham gia.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc