Multimedia Đọc Báo in

Khuyến nông đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật

08:39, 24/01/2018

Thực hiện công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn, những năm qua ngành Khuyến nông  tỉnh đã nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân.

Là ngành chịu nhiều rủi ro do tác động của thời tiết, khí hậu cũng như điều kiện canh tác nên những năm qua ngành Khuyến nông Đắk Lắk đã phối hợp với các nhà khoa học thực hiện các đề tài nghiên cứu cũng như tổ chức khảo nghiệm các giống cây, con mới trước khi nhân rộng đại trà. Cụ thể như đề tài “So sánh tập đoàn 10 giống ca cao nhập nội vào Đắk Lắk”; “Nghiên cứu khảo nghiệm và sản xuất lúa lai tại Đắk Lắk”...

Nhờ đó, nông dân được tiếp cận với các giống mới có phẩm cấp cao hơn với kỹ thuật sản xuất mới tương ứng. Theo thống kê, hiện tại diện tích sản xuất ngô lai chiếm trên 95% tổng diện tích ngô hằng năm của tỉnh, sản xuất lúa chất lượng cao chiếm hơn 20% tổng diện tích lúa, sản lượng lương thực hằng năm luôn đạt trên 1,2 triệu tấn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Còn các mô hình cải tạo đàn bò thịt bằng Chương trình thụ tinh nhân tạo và bò đực Zê bu được nhân rộng đã thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn bò giống cũng như thay đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông sang chăn nuôi bán công nghiệp, nâng tỷ lệ bò lai trên địa bàn toàn tỉnh lên trên 30%.

Cán bộ  khuyến nông  TP. Buôn  Ma Thuột  thăm mô hình trồng hoa  tại phường  Ea Tam.
Cán bộ khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột thăm mô hình trồng hoa tại phường Ea Tam.

Ông Ngô Nhân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ được giao, ngành Khuyến nông còn phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước triển khai các chương trình, dự án như Dự án hỗ trợ và quản lý nguồn nước DANIDA; đa dạng hóa nông nghiệp; phát triển sản xuất ca cao bền vững tại nông hộ; khí sinh học Biogas... Các chương trình, dự án được triển khai theo hệ thống từ lý thuyết đến thực hành xây dựng mô hình đã góp phần nâng cao dân trí, kỹ thuật và kỹ năng tổ chức sản xuất cho bà con nông dân, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đặc biệt, việc chuyển giao tiến bộ khoa học thông qua những mô hình điểm đã đưa các giống cây, con mới đến với bà con như tôm càng xanh, cá trắm dòn, măng tây xanh, lúa thảo dược... góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu cũng như đa dạng hóa các loại cây trồng vật nuôi, mở thêm nhiều lựa chọn cho nông dân trong sản xuất. Không chỉ vậy, việc phối hợp với chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện các chương trình, dự án còn là cơ hội để cán bộ khuyến nông tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tự đào tạo và nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất cũng như triển khai mô hình để truyền đạt lại cho nông dân khi bà con có nhu cầu.

Toàn tỉnh hiện có 31 cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, 78 cán bộ khuyến nông cấp huyện, 208 khuyến nông viên cấp xã, 2.113 cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn.

Trong điều kiện kinh phí cho hoạt động khuyến nông còn hạn chế, để giúp bà con nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, ngành đang nỗ lực huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia thực hiện chương trình tái cơ cấu một số sản phẩm chủ lực của địa phương. Trong đó ưu tiên tập trung vào việc tiếp cận, chuyển giao, xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng thành tựu nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất; đổi mới phương thức sản xuất, đẩy mạnh liên kết, phát triển thương mại - dịch vụ nông sản nhằm xây dựng phát triển nông sản theo chuỗi có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.