Vụ rau "buồn" sau Tết
Thu hoạch vụ rau giữa những ngày đầu năm mới, nhiều bà con nông dân ở các làng rau trong tỉnh buồn bã vì giá rẻ như bèo, bán cũng không có người mua. Đây là một vụ rau "buồn" với bà con vì được mùa, mất giá.
Giá rớt thê thảm, đầu ra gặp khó
Thông thường, vụ rau dịp trong và sau Tết luôn mang lại nguồn thu hoạch đáng kể cho bà con nông dân, năm nay không như vậy. Giá các loại rau, củ, quả đang “rớt” thê thảm từng ngày. Sức tiêu thụ mặt hàng này rất chậm, thậm chí nhiều hộ bán không ai mua. Rau đang bị thừa ế, trong khi cách đây chưa đầy 2 tháng, một số loại rau còn ở giá cao ngất ngưởng, gấp gần 4 lần so với thời điểm hiện tại.
Hiện rau bán ra tại vườn có giá rất thấp, hầu như không có loại rau nào vượt quá 5.000 đồng/kg. Cụ thể, cải ngọt: 3.000 đồng, cải thìa; 2.500 đồng/kg, xà lách 3.000 đồng/ kg... May ra, rau gia vị như hành lá còn vớt vát ở mức 7.000 đồng/kg (dù trước Tết có giá 23.000 đồng/kg). “Đau” nhất là cà chua và đậu cô ve, từ mức 15.000-17.000 đồng/kg trước Tết, nay bán ra chỉ chưa đến 5.000 đồng/kg.
Vườn rau xà lách của gia đình chị Trần Thị Hương (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) đang trong những ngày thu rộ. |
Làng rau Ea Pốk (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) được coi là một trong những vựa rau lớn nhất, nhì của tỉnh. Ở đây có khoảng hơn 80 hộ chuyên nghề trồng rau trên diện tích 20 ha. Chỉ tính riêng Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Toàn Thịnh, với 42 hộ trồng rau trên diện tích 10 ha, trung bình mỗi ngày cung ứng ra thị trường trên 1 tấn rau an toàn theo chuẩn VietGAP các loại. Chủ yếu tiêu thụ ở các siêu thị lớn như Co.opmart, Mường Thanh, cửa hàng rau an toàn của TP. Buôn Ma Thuột và các huyện lân cận.
Những năm trước, vào thời điểm này trên các vườn rau, từ sáng sớm đã tất bật người thu hoạch, xếp bó ngay ngắn chờ xe thương lái đến chở đi tiêu thụ. Nhưng vụ này, nguồn cung hiện đang thừa, thương lái cũng “hờ hững” với việc thu gom rau. Trên cánh đồng không ít luống rau cao ngang gối, nhiều nông dân bó gối ngồi nhìn những luống rau già “quá lứa” mà lòng chua xót. Không có người mua, họ cũng chẳng buồn thu hoạch. Nhiều đám rau ăn lá, gia vị như xà lách, cải ngọt, hành, đậu cô ve, cà chua... già, trổ bông hoặc rụng đầy gốc. Không ít vườn, rau nhổ chất đống bên bờ ruộng để lấy đất làm vụ mới.
Cà chua nông dân huyện Cư M’gar bán ra tại vườn đang rớt giá thê thảm. |
Cùng cảnh ngộ, làng rau Tân Hòa (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) có khoảng 10 ha với hơn 70 hộ chuyên canh rau sạch, cung ứng phần lớn sản phẩm trên địa bàn thành phố, mang lại nguồn thu chính cho người dân trong vùng; người dân cũng rơi vào tình trạng bi đát vì rau sạch tụt giá liên tục. Gia đình chị Trần Thị Hương (khối 10) từ trước Tết đã xuống giống hơn 3 sào rau để phục vụ thị trường sau Tết, chủ yếu là xà lách và các loại rau thơm. Sau 30-40 ngày chăm sóc, thu hoạch từng cây rau to, đẹp nhưng chị Hương không thể vui nổi vì giá rau quá thấp. Chị Hương chia sẻ, cùng thời điểm này năm ngoái giá thu mua tại vườn dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg, vậy mà nay chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg. Vụ rau này, gia đình chị chủ yếu “lấy công làm lời”, vì theo tính toán, để trồng 300 m2 rau phải bỏ ra 3 triệu đồng chi phí đầu tư mua giống, phân bón, nhân công…, với giá rau thị trường ảm đạm như hiện tại, cũng chỉ lời chừng 2-3 triệu đồng/sào. Chị Trần Thị Thủy, một tiểu thương tại chợ đầu mối Tân Hòa cho biết, rau là mặt hàng có giá cả thất thường, không ổn định, tuy nhiên so với thời điểm tháng trước thì giá rau giờ rất thấp.
Mất cân đối cung- cầu
Toàn tỉnh hiện có trên 8.000 ha gieo trồng rau hằng năm, với sản lượng hơn 130 nghìn tấn rau các loại, tập trung nhiều nhất tại các vùng như: TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Pắc… Nhờ thời tiết thuận lợi, diện tích rau vụ đông xuân năm nay hầu hết đều đạt năng suất cao, sản lượng tăng gấp rưỡi so với những năm trước. Ngặt nỗi, giá rớt thê thảm, chỉ bằng 1/3 so với ngày thường, thấp hẳn so với 3 năm trở lại đây. Việc rớt giá đã đành, giờ còn rơi vào tình cảnh ế ẩm khiến bà con nông dân càng trở nên khốn đốn hơn. Lão nông Trương Văn Duyên (tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Ea Pốk, Cư M’gar) là một trong những xã viên của Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Toàn Thịnh cho biết, rau an toàn theo chuẩn VietGAP gia đình ông trồng được mang ra chợ bán theo giá rau thường đã đành, giờ lại rơi vào cảnh ế ẩm, không người hỏi mua. Cho đến lúc này, ông đành ngậm ngùi cuốc đi những luống xà lách đã quá ngày, có không ít cây to nặng gần 1 kg, xanh mơn mởn nhưng bị “chê” vì thị trường thừa. Không có người mua, cây thì mỗi ngày một già thêm nên gia đình ông đành phải phá bỏ, hái cho ngan.
Lão nông Trương Văn Duyên phá đi luống xà lách không người hỏi mua, đã quá ngày để lấy đất trồng vụ rau mới. |
Theo tìm hiểu, giá rau thấp như hiện nay là do cung vượt xa cầu, hầu hết các vựa trồng rau lớn của tỉnh đều được mùa, đạt năng suất cao, nhà vườn thì có tâm lý chuẩn bị rau bán vào dịp trước, trong và ra Tết nên nguồn hàng dồi dào, trong khi sức tiêu thụ rau, củ, quả dịp Tết năm nay không bằng mọi năm. Mặt khác, trên thị trường trà trộn nhiều sản phẩm không bảo đảm an toàn tạo sự dè dặt trong tâm lý người tiêu dung. Nên thay vì mua rau ngoài chợ, nhiều gia đình tự trồng rau để ăn, mức độ tiêu thụ vì thế cũng giảm mạnh. Mặc dù vậy, các nhà vườn vẫn không có ý định bỏ ruộng. Nhiều nông dân cho hay, họ sẽ cày đất để chuẩn bị cho vụ rau mới, nhưng hy vọng được bù lại xứng đáng trong các vụ sau. “Nghề trồng rau, có lúc này lúc kia, thị trường thì vô chừng, khó ai đoán trước được. Bao nhiêu năm vẫn sống bằng nghề trồng rau, giờ không làm thì lấy gì ăn”- một nông dân chua chát cho hay.
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh, trong vụ mùa tới, bà con nông dân cần có kế hoạch gieo trồng phù hợp, tránh xuống giống ồ ạt, cùng chủng loại, cùng thời điểm để tránh tình trạng hạ giá do cung vượt quá cầu như hiện nay. |
Đỗ Lan- Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc