Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế nhờ cây măng tây

09:04, 23/04/2018

Măng tây là loại cây mới được đem vào trồng tại huyện Lắk cách đây không lâu, dù chưa được phát triển đại trà nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định.

Năm 1991, gia đình anh Quan Văn Hữu (sinh năm 1980, dân tộc Tày) khăn gói từ Bắc Cạn vào buôn M’Liêng 2 (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) lập nghiệp. Sau nhiều năm vật lộn với cây lúa, ngô, kinh tế gia đình vẫn không khá lên. Đầu năm 2013, anh Hữu được Tỉnh Đoàn hỗ trợ 2.000 cây măng tây giống đem về trồng trên diện tích 1.000 m2 để phát triển mô hình măng tây tại địa phương. Do chưa có kinh nghiệm về trồng và chăm sóc cây măng tây nên anh phải lên mạng, sách báo, những người trồng măng tây để vừa học hỏi vừa chăm sóc vườn măng tây.

Sau 6 tháng chăm sóc, măng tây bắt đầu cho thu hoạch, trung bình 2–3 kg/ngày, anh lại tiếp tục đối mặt với khó khăn trong việc tìm thị trường đầu ra do người dân địa phương chưa biết nhiều về loại thực phẩm này, trong khi giá thành của nó lại cao (100 nghìn đồng/kg). Lúc đó, anh phải gom hàng đem lên TP. Buôn Ma Thuột, Ea Kar, sang Lâm Đồng… để bán lẻ, tìm mối. Đến năm 2015, khi người dân địa phương biết đến măng tây nhiều hơn, các đầu mối anh tìm kiếm được ngày càng ổn định thì mưa lũ làm ngập, hư hỏng 1.000 m2 diện tích măng tây đang cho thu hoạch, khiến gia đình anh lại lâm vào cảnh khó khăn.

Mô hình măng tây của gia đình anh Quan Văn Hữu tại buôn M’Liêng 2.
Mô hình măng tây của gia đình anh Quan Văn Hữu tại buôn M’Liêng 2.

Tuy vậy, nhận thấy tiềm năng từ loại cây này, anh Hữu đã mạnh dạn đầu tư 20 triệu đồng, sang Lâm Đồng mua 4.000 cây măng tây giống, quyết tâm làm lại từ đầu. Hiện nay, mỗi ngày anh thu về hơn 10 kg măng tây, nhập cho các thương lái với giá 90–100 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh thu về hơn 15 triệu đồng, giúp gia đình anh tăng thêm thu nhập. Anh Hữu cho hay, cây măng tây có tuổi thọ từ 10 – 12 năm, cần chăm sóc cầu kỳ, ngày tưới nước 2 lần, cứ 3 tháng phải xới xáo đất và bón phân chuồng 1 lần…

Với những thành công bước đầu, gia đình anh Hữu dự định mở rộng thêm diện tích, tăng thêm sản lượng để tìm thị trường mới, đồng thời tạo đà để xây dựng và mở rộng mô hình măng tây tại địa phương.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.