Multimedia Đọc Báo in

Mùa trái cây rừng lên ngôi

08:21, 12/05/2018

Với ưu điểm có hương vị lạ, không thuốc trừ sâu, chất bảo quản,… nhiều loại trái cây mọc tự nhiên đang được người tiêu dùng ưa chuộng, săn lùng dù có giá khá cao.

Đi dọc các tuyến  quốc lộ ngang qua địa phận tỉnh Đắk Lắk, ta dễ bắt gặp hình ảnh các chị, các mẹ đồng bào Êđê bày bán nhiều loại trái cây có nguồn gốc từ rừng như dâu da, chôm chôm, xoài... Chị H’Nghiêm Adrơng ( buôn Krông B, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, cứ vào tháng năm đầu hè là mùa chôm chôm rừng chín rộ. Chị đặt mua của người dân trong buôn rồi bán lại cho khách đi đường kiếm lời. Nhìn bên ngoài, chôm chôm rừng có hình dáng, màu sắc như các loại chôm chôm khác, nhưng  phần ruột bên trong quả có màu vàng như lòng đỏ trứng gà muối và có vị chua ngọt rất lạ miệng. Khách hàng của chị chủ yếu là người thành phố, thích thưởng thức vị chua chua, ngọt ngọt của “chôm chôm ruột vàng” vào mùa hè để giải khuây cái nóng. Trước đây, chôm chôm rừng mọc nhiều trong buôn làng nhưng giờ chỉ còn vài nhà có. Mỗi ngày chị mua được vài chục ký bán với giá 20-30 nghìn đồng/kg. Khách nào muốn mua số lượng lớn phải dặn trước để chị gom hàng. Ngoài bán chôm chôm rừng chị còn bán thêm dâu da, xoài rừng… Đây là những loại quả có vị chua lạ, đặc trưng chỉ có vào mùa hè ở các tỉnh Tây Nguyên. Ra khỏi buôn làng, chúng trở thành “đặc sản”, được nhiều thực khách săn lùng mua với giá 60-70 nghìn đồng/kg.

Chị H’ Nghiêm Adrơng bày bán chôm chôm, xoài rừng.
Chị H’ Nghiêm Adrơng bày bán chôm chôm, xoài rừng.

Không riêng trái cây rừng Tây Nguyên mà quả đào, lê, mận, táo mèo, mơ… mọc ở đồi núi các tỉnh phía Bắc cũng được các “tín đồ” mê hàng sạch săn lùng tìm mua. Anh Nguyễn Trung Hải (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) – người chuyên cung cấp các loại quả rừng có nguồn gốc từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La… với số lượng lớn - cho hay, anh bắt đầu công việc buôn bán trái cây rừng từ tháng 3-2017. Lần đó, trong dịp về thăm quê Cao Bằng đúng mùa mơ rừng chín mọng, anh ăn thấy ngon nên chia sẻ lên mạng xã hội. Bạn bè thấy quả là lạ, mọc trên núi tự nhiên rất sạch nên dặn mua về ăn thử rồi “ghiền” luôn. Từ đó anh trở thành “dân buôn” trái cây rừng. Mùa nào quả đó, tháng 3 - 4 có mơ rừng; tháng 5 - 6 mùa mận tam hoa, mận cơm; tháng 8 đến tháng 10 có lê rừng (mắc cọt), táo mèo… Quả rừng mọc tự nhiên không “ngậm” chất bảo quản nên hái xuống không để được lâu. Anh phải dặn người làng đi hái từ sáng sớm, rồi gửi liền vào Đắk Lắk để anh kịp giao ngay cho khách. Ưu điểm của quả rừng là giòn, ngọt thanh tự nhiên, đặc biệt là không phân bón, chất kích thích, thuốc bảo quản nên rất hút khách. Khách ăn lần đầu tấm tắc khen ngon nên thường dặn để lần sau có tiếp. Mỗi chuyến hàng, anh nhập về cả tạ bán hết vèo, lắm lúc còn “cháy” hàng. Không chỉ bán cho khách trong tỉnh anh còn nhập bỏ sỉ cho khách ở Gia Lai, Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh…

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.