Multimedia Đọc Báo in

Nông dân xã Cư Đrăm phấn khởi được mùa dứa

08:38, 22/05/2018

Với 130 ha dứa đang trong thời gian thu hoạch, bà con nông dân ở xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông) đang tất bật công việc thu hoạch với tâm trạng phấn khởi vì dứa năm nay được mùa, được giá.

Cây dứa do bà con nông dân Cư Đrăm trồng tự phát vài năm gần đây, tuy nhiên qua thời gian thử nghiệm đã cho thấy kết quả khả quan. Đây là giống dứa đồi ít mắt, quả to, có vị ngọt đậm và hương thơm nên được thị trường rất ưa chuộng. Nhiều hộ gia đình ở xã Cư Đrăm có được nguồn thu nhập cao với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha từ việc bán quả và mắt giống.

Là một trong những hộ nông dân tiêu biểu phát triển mô hình trồng dứa tại địa phương, ông Trần Quang Chuyện ở thôn 2, xã Cư Đrăm bắt đầu triển khai mô hình trồng dứa từ năm 2012 trên diện tích 6 ha đất sườn đồi. Mỗi năm cây dứa đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ông từ 300 đến 400 triệu đồng. Theo ông Chuyện, trồng dứa chỉ vất vả công đoạn làm cỏ, vun gốc khoảng 2 năm đầu khi mới trồng. Từ năm thứ ba trở đi là bắt đầu cho thu hoạch. Trồng dứa không cần phải tưới nước nhiều đợt, bón phân ít và không dùng đến thuốc trừ sâu bệnh. So với cây cà phê và cây tiêu thì trồng dứa ổn định hơn, chi phí đầu tư ít hơn nhưng lợi nhuận kinh tế mang lại cao hơn. Hai năm trở lại đây, thương lái từ các huyện lân cận và các tỉnh xa về tận vườn để mua, giá bán mỗi trái dao động từ 16.000-17.000 đồng. Đầu ra của sản phẩm đã được các thương lái về tận vườn để mua, đây là tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân.

Chị Trần Thị Hường (thôn 2,  xã  Cư Đrăm) bên những quả dứa vừa  thu hoạch.
Chị Trần Thị Hường (thôn 2, xã Cư Đrăm) bên những quả dứa vừa thu hoạch.

Cũng trong tâm trạng phấn khởi với một vụ dứa bội thu, chị Trần Thị Hường ở thôn 2 xã Cư Đrăm cho biết, gia đình chị có hơn 1 ha đất trồng dứa. Mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí cũng thu được hơn 80 triệu đồng tiền lãi. Ngoài việc bán dứa, các gia đình ở đây còn có thu nhập thêm hàng chục triệu đồng từ tiền bán gốc dứa giống.

Ông Y Then Mkang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Đrăm cho hay, những năm qua nông dân trên địa bàn xã đã đẩy mạnh chuyển đổi cây giống, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, dứa là cây trồng chủ lực hiện nay trên địa bàn. Người dân đang mở rộng diện tích, quy mô hơn và nguồn thu nhập mang lại cũng khá cao. Bên cạnh sự nhạy bén của bà con nông dân, Hội Nông dân xã cũng có nhiều hoạt động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên, hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển sản xuất...

Vườn dứa 6 ha của gia đình ông Trần Quang Chuyện đang cho thu hoạch
Vườn dứa 6 ha của gia đình ông Trần Quang Chuyện đang cho thu hoạch.

Do thu nhập ổn định nên bà con đã chuyển đổi nhiều diện tích sang trồng dứa. Hiện diện tích dứa trên địa bàn xã đã vượt diện tích cây hồ tiêu. Phấn khởi vì nông dân có thu nhập cao nhờ cây dứa, tuy nhiên, ông Nguyễn Công Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm vẫn tỏ ra lo lắng: “Chất lượng dứa tốt nhưng đầu ra sản phẩm vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Hiện tại người dân đang ồ ạt mở rộng diện tích, nhưng một khi thị trường không còn “ăn” dứa nữa không biết “đổ” đi đâu. Đây cũng là một câu hỏi lớn với rất nhiều “bài học” nhãn tiền về đầu ra cho các loại cây trồng mà người nông dân ở nhiều địa phương đã từng nếm trải”. 

  Xuân Thái - Duyên Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.