Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Súp phát triển các loại cây ăn quả chủ lực

08:57, 03/07/2018

Tận dụng những lợi thế về khí hậu, đất đai của địa phương, huyện Ea Súp đang chú trọng quy hoạch, định hướng chiến lược phát triển các loại cây ăn quả chủ lực nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Những mô hình điểm

Huyện Ea Súp tuy có địa hình khá bằng phẳng, nhưng đất đai không màu mỡ, với 2 nhóm đất chính là đất đỏ vàng và đất xám bạc màu, không thể phát triển mạnh các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu… như các địa phương khác. Hơn nữa, Ea Súp có nhiệt độ cao đều trong năm, nằm trong vùng có lượng mưa khá lớn (trên 1.560 mm/năm) lại có lưu vực suối Ea Súp, Ea H’leo và hồ Ea Súp Thượng cung cấp nước tưới nên rất thích hợp cho việc trồng cây ăn quả. Ở đây, có hàng nghìn hộ gia đình từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ – vùng phát triển nhiều loại hoa quả đến sinh sống và lập nghiệp. Họ có kinh nghiệm trồng cây ăn quả và mang nhiều giống cây như nhãn, xoài, ổi… đến và thực hiện chuyển đổi từ trồng các cây ngắn ngày, cây công nghiệp cho năng suất kém sang phát triển cây ăn quả.

Vườn quýt của anh Lê Văn Thanh thôn 14A (xã Ya Tờ Mốt).
Vườn quýt của anh Lê Văn Thanh thôn 14A (xã Ya Tờ Mốt).

Với 5 ha đất cát pha sỏi bạc màu, gia đình anh Vũ Thế Bằng (thôn 7, xã Cư M’lan) đã từng bỏ hàng chục triệu đồng để trồng điều, cao su… nhưng không mang lại hiệu quả. Thấy cây xoài gần nhà trồng mấy năm trước đang cho quả, xoài da trơn mướt, to và ngọt nên anh đã mày mò tìm hiểu sách báo, đến các mô hình trồng cây ăn quả tại địa phương để học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc xoài. Đầu năm 2016, anh Bằng mạnh dạn đầu tư 20 triệu đồng đến Bình Phước để mua 1.000 cây xoài giống (20 nghìn đồng/cây) mang về trồng trên diện tích 5 ha. Sau hai năm, vườn xoài của gia đình anh đang phát triển tốt, ra hoa nhiều, để giữ sức cho cây anh đã vặt bỏ toàn bộ hoa chỉ để lại 100 cây ở các vị trí khác khau để thử nghiệm và cho chất lượng tốt. Hiện nay, gia đình anh đang chuẩn bị áp dụng kỹ thuật, xử lý cho ra xoài trái vụ, đồng thời chủ động liên hệ với thương lái để được bao tiêu sản phẩm.

Cũng như gia đình anh Vũ Thế Bằng, năm 2015, anh Lê Văn Thanh (thôn 14A, xã Ya Tờ Mốt) về các tỉnh miền Tây Nam Bộ mua các giống cây ăn quả về trồng như ổi (Tây Ninh), xoài (Bến Tre), chanh (Đồng Tháp)… về trồng xen trên vườn nhà. Các cây trồng đều phát triển tốt, sau 3 năm bắt đầu cho thu hoạch với năng suất cao. Sản phẩm làm ra đều được thương lái đến tận nhà thu mua với giá ổn định. Năm đầu tiên thu hoạch, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về hơn 100 triệu đồng. Nhận thấy phát triển cây ăn quả tại địa phương là hướng đi phù hợp, anh đã mạnh dạn chuyển đổi dần 5 ha mía sang trồng cây ăn quả. Nhiều gia đình tại địa phương cũng học hỏi anh phát triển mô hình này. Để liên kết sản xuất, hỗ trợ lẫn nhau trong việc chọn giống, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, tiêu thụ sản phẩm... tạo thương hiệu cây ăn quả tại Ea Súp, cuối năm 2017 anh Thanh thành lập Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Vang Thanh Ea Súp với 19 thành viên. Anh Thanh cho biết, hiện HTX có hơn 50 ha trồng đa dạng các loại cây ăn quả như nhãn, xoài, ổi, bưởi da xanh ruột hồng… Nhiều thương lái tìm đến để thu mua số lượng lớn, nhưng do HTX mới thành lập, diện tích cây ăn quả hầu hết là mới trồng hoặc bắt đầu cho thu bói nên sản phẩm chưa đủ để cung cấp. Dự kiến trong thời gian tới, HTX sẽ kết nạp thêm thành viên để cùng xây dựng thương hiệu hoa quả sạch Ea Súp.

Cần có sự hỗ trợ kịp thời

Hiện nay, toàn huyện Ea Súp có 1.421 ha diện tích cây ăn quả, sản lượng trên 13.500 tấn, trong đó cây xoài chiếm diện tích lớn nhất với 800 ha. Dự kiến đến năm 2020, toàn huyện phát triển 2.000 ha cây ăn quả, sản lượng 35.000 tấn, trong đó cây xoài chiếm 35%; nhóm cây ăn quả có múi chiếm 23,4%; nhãn, chuối, mãng cầu và cây ăn quả khác chiếm 41,6%. Đến năm 2030, toàn huyện giữ ổn định diện tích 3.500 ha cây ăn quả, sản lượng 50.000 tấn, trong đó cây xoài chiếm 50%; nhóm cây có múi chiếm 24%; nhãn, chuối, mãng cầu và cây ăn quả khác chiếm 26%.

Hiện nay, sản xuất nông sản sạch đang là xu hướng của ngành nông nghiệp, vì vậy người dân ở đây rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thay thế thuốc trừ sâu, phân bón hóa học bằng phân bón hữu cơ và vi sinh; nâng cao công nghệ sau thu hoạch, bảo quản nông sản và gắn với chế biến nông sản tại chỗ để nâng cao chất lượng nông sản…

Diện tích cây ăn quả tăng nhanh và đang cho hiệu quả, nhưng người nông dân cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Việc phát triển mô hình cây ăn quả cần vốn đầu tư lớn, phải chăm sóc từ 2 – 3 năm mới bắt đầu cho thu hoạch nên nhiều gia đình chưa đủ tiềm lực về kinh tế để thực hiện. Các mô hình hầu hết tự phát, trong khi sâu bệnh nhiều nên muốn phát triển lâu dài, tạo thương hiệu sản phẩm sạch theo hướng hàng hóa cần cán bộ có chuyên môn kỹ thuật hỗ trợ người dân.

Mô hình trồng xoài của gia đình anh Vũ Thế Bằng.
Mô hình trồng xoài của gia đình anh Vũ Thế Bằng.

Để đảm bảo cây ăn quả phát triển đạt hiệu quả cao, Phòng NN-PTNT  huyện Ea Súp đã đề ra nhiều giải pháp. Trước tiên, dành sự quan tâm đặc biệt đến giống cây bằng cách khuyến khích người dân mạnh dạn thay thế những giống cây ăn quả kém chất lượng hiện có bằng những giống có chất lượng cao như ổi không hạt, chuối Nam Mỹ, xoài cát Hòa Lộc…; quy hoạch lại các cơ sở sản xuất giống, trợ giá mua giống cho nhà vườn, khuyến khích nhà vườn nhập về các loại giống tốt, giống mới có nhu cầu lớn trên thị trường. Cùng với đó, xây dựng hệ thống kiểm tra và vệ sinh thực phẩm đối với trái cây ở cấp HTX và thành lập tổ kiểm tra chuyên môn cấp huyện. Đồng thời, huy động đóng góp của người dân, các doanh nghiệp có liên quan, kết hợp với sử dụng ngân sách địa phương tổ chức các lớp tập huấn những kiến thức cơ bản về cây ăn quả nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất hoa quả hàng hóa…

Thùy Dung

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.