Multimedia Đọc Báo in

Tập trung tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản

08:37, 22/10/2018

Để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong 3 tháng cuối năm, UBND tỉnh đang rốt ráo chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Giải ngân chậm do còn nhiều vướng mắc

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư, thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh đã có chỉ đạo, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2018, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn đạt thấp, đến ngày 30-9, tổng số vốn giải ngân mới chỉ trên 1.229 tỷ đồng, đạt 39,38% kế hoạch.

Một số chương trình, dự án có tỷ lệ giải ngân đạt thấp như: Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột), chỉ giải ngân 1,092 tỷ đồng/620 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí giao năm 2018; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giải ngân đạt 9,62%; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 11,20%...

Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ, đoạn qua xã Ea Ngai.  Ảnh: H.Tuyết
Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ, đoạn qua xã Ea Ngai. Ảnh: H.Tuyết

Lý giải nguyên nhân, Sở Kế hoạch – Đầu tư cho rằng, tỷ lệ giải ngân thấp nguyên nhân do vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 bố trí đa số là các dự án khởi công mới nên sau khi được giao kế hoạch vốn, các chủ đầu tư mới bắt đầu tiến hành chuẩn bị các thủ tục giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu... do đó chưa có khối lượng nghiệm thu thanh toán. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công quy định dự án phải trải qua một số bước khá chặt chẽ (từ việc lập kế hoạch, thẩm định, phê duyệt kế hoạch, giao chi tiết kế hoạch đầu tư cho các bộ, ngành, địa phương) nên phải mất một thời gian khá dài. Như vốn dân di cư ngoài kế hoạch, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ năm 2018 là 47,4 tỷ đồng, đến 30-9 mới giải ngân được hơn 9 tỷ đồng, đạt 19,1% kế hoạch. Việc triển khai đầu tư công trình phải thực hiện các thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư… theo quy định của Luật Đầu tư công nên thời gian hoàn thiện hồ sơ mất nhiều thời gian. Ngoài ra một số bất lợi về thời tiết trong quá trình thi công dẫn đến các dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến công tác giải ngân.  

Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng vẫn chưa phù hợp nên việc giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến chậm tiến độ thi công. Chẳng hạn Dự án Phát triển thành phố loại 2 tại Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đắk Lắk - Tiểu Dự án Buôn Ma Thuột còn khoảng 100 m chưa được bàn giao đối với hợp phần BMT02 (xây dựng đường chiến lược – đường Trần Quý Cáp) và mới bàn giao 1.541m/2.150m đối với hợp phần BMT03 (xây dựng đường chiến lược – đường Mai Thị Lựu). Hay như Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên (giai đoạn 2), kế hoạch giao năm 2018 là 81,193 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân 14,779 tỷ đồng, tỷ lệ chỉ đạt 18,2%. Riêng đối với Tiểu dự án Bệnh viện Đa khoa Krông Búk, UBND huyện vẫn chưa bàn giao 3.315 m2 cho đơn vị thi công, ảnh hưởng đến thi công, tiến độ giải ngân dự án.

Thi công Dự án mở rộng hệ thống thoát nước mưa, nước thải trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Thi công Dự án mở rộng hệ thống thoát nước mưa, nước thải trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Chưa kể, mặc dù đã được giao vốn nhưng một số dự án mới thực hiện phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, hoàn thành các thủ tục theo quy định để triển khai thực hiện hoặc đang trong quá trình thẩm định… nên chưa có khối lượng để giải ngân như: Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB), Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị hạn hán (ADB); Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, Dự án giảm nghèo bền vững khu vực Tây Nguyên.

Tăng tốc trong 3 tháng cuối năm.

Ông Võ Ngọc Tuyên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư cho biết, trước tình hình giải ngân vốn XDCB đạt thấp, thực hiện Kết luận số 200/TB-UBND của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn XDCB, Sở đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc giải ngân tại các địa phương. Qua đó, Sở đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm khối lượng để giải ngân theo kế hoạch được giao, đặc biệt là đối với phần kinh phí thuộc về kế hoạch năm 2017 kéo dài sang năm 2018 để tránh bị thu hồi vốn. Đối với các dự án được giao kế hoạch năm 2018, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm đạt trên 30% kế hoạch, tránh trường hợp đạt thấp gây ảnh hưởng đến việc xem xét, bổ trí kế hoạch tiếp theo của các dự án. Qua đợt kiểm tra, đôn đốc, hầu hết các địa phương đều cam kết, tập trung các giải pháp tăng tốc giải ngân kế hoạch vốn được giao, bảo đảm thời gian theo quy định; đồng thời sẽ tiến hành rà soát kịp thời đề xuất chuyển vốn cho các dự án khác có nhu cầu vốn theo quy định nếu để xảy ra tình trạng chậm tiến độ. Đến nay, một số đơn vị đã gửi báo cáo và đề xuất điều chuyển vốn đối với các dự án không có khả năng giải ngân trong năm 2018, phía Sở Kế hoạch – Đầu tư cũng đang tiếp tục kiểm tra, rà soát và báo cáo trình UBND tỉnh xem xét.

 
“Một trong những giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung vào công tác tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng cho các dự án. Đối với trường hợp chây ì, các địa phương căn cứ theo quy định của pháp luật tiến hành cưỡng chế nếu cần thiết. Đối với những nhà thầu không đáp ứng tiến độ thi công, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở ngành, chủ đầu tư liên quan kiên quyết xử lý, chấm dứt hợp đồng”.
 
Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Ông Lưu Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn XDCB đạt thấp nhất (17,8%), nguyên nhân chủ yếu do các dự án bị vướng giải phóng mặt bằng, nên trong 3 tháng cuối năm, thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng tốc, cam kết bảo đảm tiến độ được giao. Trong đó, một số vướng mắc chủ yếu của thành phố liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, UBND thành phố sẽ tập trung và kiên quyết, phối hợp với các sở, ngành liên quan giải quyết rốt rào về vấn đề này.

Mới đây, trong cuộc họp chuyên đề XDCB tháng 10, để bảo đảm tiến độ giải ngân trong 3 tháng cuối năm, đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch vốn kéo dài năm 2017 sang năm 2018 cũng như vốn được giao trong năm 2018. Trong đó, khẩn trương tập trung thanh, quyết toán các dự án hoàn thành; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các thủ tục pháp lý thanh toán khối lượng đối với những dự án sắp hoàn thành. Các sở, ngành và UBND cấp huyện với vai trò là chủ đầu tư phải xác định rõ trách nhiệm từng đơn vị để có giải pháp quyết liệt hơn nữa đẩy nhanh tiến độ XDCB, minh bạch trong lựa chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công; không để tình trạng chậm giải ngân tiếp tục kéo dài. Trong 3 tháng cuối năm, chủ đầu tư nào không giải ngân hết nguồn vốn đã bố trí để Trung ương điều chỉnh vốn sang địa phương khác hoặc không bố trí vốn trong kế hoạch năm 2019 thì lãnh đạo các đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2018, khẩn trương rà soát đối với các dự án chậm giải ngân để điều chuyển vốn cho dự án khác. Các địa phương đã tiến hành cam kết, đến 31-12-2018 nếu không thực hiện đúng theo cam kết về bảo đảm tiến độ giải ngân thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm, UBND tỉnh sẽ nghiêm khắc phê bình, xử lý theo quy định.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.