Lộ trình chấm dứt gạch nung: Những khó khăn từ thực tế (Kỳ 2)
[links(left)]
Kỳ 2: Để vẹn toàn các mục tiêu
Với khoảng 3.000 lao động làm việc tại các lò gạch trên địa bàn tỉnh, để chấm dứt hoạt động của các lò gạch này theo đúng lộ trình mà không gây hệ lụy cho cả người sản xuất lẫn lực lượng lao động cần có giải pháp phù hợp…
Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện có: 2 nhà máy gạch tuynel với công suất 37 triệu viên/năm, 4 lò gạch hoffman (lò vòng cải tiến) với công suất 8 triệu viên/năm; 140 đơn vị sản xuất gạch theo công nghệ nung đốt liên tục kiểu đứng với 222 lò nằm trên địa bàn các huyện Krông Pắc, Krông Bông, Krông Ana, Lắk, Krông Búk, Cư Kuin, Ea Kar. Tổng sản lượng gạch nung sản xuất đạt khoảng 693 triệu viên/năm. Sau 4 năm thực hiện Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hầu hết các địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc này cũng như khuyết khích phát triển sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây không nung.
Một công trình có vốn ngân sách Nhà nước ở huyện Ea Súp được xây bằng vật liệu không nung. |
Rất nhiều khó khăn đặt ra từ thực tế, thậm chí gần như nằm ngoài khả năng của phần đa các cơ sở sản xuất gạch nung hiện nay khi thực hiện chủ trương này. Các địa phương, ngành chức năng đang nỗ lực tìm cách gỡ vướng.
“Ngoài việc tuyên truyền, vận động, định hướng cho các chủ lò gạch chuyển đổi hoạt động sản xuất, các ngành chức năng và các địa phương đặc biệt quan tâm và có kế hoạch cụ thể đối với công tác tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động cũng như có chính sách hỗ trợ người dân vay vốn, chuyển đổi nghề nghiệp”.
Ông Lâm Tứ Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng
|
Đơn cử như huyện Krông Pắc, trong kế hoạch thực hiện lộ trình chấm dứt gạch nung, UBND huyện cũng đã có định hướng đầu tư phát triển công nghệ sản xuất gạch tuynel và gạch không nung cùng phương án chuyển đổi nghề nghiệp cho các chủ cơ sở và người lao động. Trên địa bàn huyện đã có 2 HTX kiểu mới tại Ea Uy và Vụ Bổn. Hiện, UBND huyện đang hoàn thiện việc xúc tiến thành lập thêm 1 HTX kiểu mới tại xã Vụ Bổn trên cơ sở tập hợp các chủ cơ sở sản xuất gạch của 3 HTX hiện nay (HTX Công nghiệp Phú Quý, Nhân Tâm, Quyết Tiến) tham gia góp vốn làm thành viên để sản xuất gạch theo công nghệ tuynel. Bên cạnh đó, trên cơ sở đánh giá về trữ lượng sét ở địa bàn 3 xã Ea Yiêng, Ea Uy và Vụ Bổn còn khá lớn (khoảng 175 ha), UBND huyện định hướng thành lập, xây dựng mỗi xã 1 nhà máy sản xuất gạch tuynel để khai thác tốt tiềm năng hiện có của địa phương cũng như giải quyết việc làm cho người lao động và phục vụ nhu cầu gạch xây dựng trên địa bàn. Ngoài ra, 2 xã Krông Búk và Hòa Tiến có trữ lượng đá xây dựng khá lớn với 5 doanh nghiệp đang đầu tư, khai thác nên UBND huyện cũng giao cho các ngành chức năng của địa phương làm việc với các doanh nghiệp này để đầu tư 2 nhà máy sản xuất gạch không nung tại đây. Đối với việc giải quyết việc làm cho người lao động, UBND huyện giao cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên ưu tiên đào tạo nghề cho các đối tượng là lao động tại các lò gạch để chuyển đổi sang các nghề khác như: may, sửa chữa cơ khí, trồng nấm, chăn nuôi, lái xe...
Một lò gạch thủ công ở huyện Ea Súp đã chấm dứt hoạt động. |
Ông Lâm Tứ Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng: Số lượng lò gạch phải dừng hoạt động của tỉnh khá nhiều, trong khi thời gian từ nay đến đích năm 2020 không còn xa, để vẹn toàn cả hai mục tiêu: Thực hiện dừng sản xuất gạch nung bằng lò thủ công lạc hậu đúng lộ trình; bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và bảo đảm quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh, việc tuyên truyền, vận động, định hướng cho người dân chuyển đổi sản xuất; tìm kiếm, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến cần được các ngành, địa phương quan tâm, quyết liệt triển khai.
Hiện, Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, các ngành chức năng liên quan lập kế hoạch hỗ trợ đối với các đơn vị sản xuất gạch thủ công khi chuyển đổi công nghệ sản xuất; phổ biến công nghệ, tiêu chuẩn, lợi ích và khuyến khích chuyển đổi sang gạch xây không nung. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nguồn gốc chất lượng, chứng nhận hợp quy sản phẩm vật liệu xây dựng; nghiệm thu công trình nhằm phát hiện kịp thời các loại vật liệu xây dựng đưa vào thi công xây dựng mà không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc