Đồng hành phát triển kinh tế cùng phụ nữ vùng biên
Nhằm giúp đỡ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế bền vững, thời gian qua, Hội LHPN huyện Ea Súp đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, hiệu quả. Qua đó giúp phụ nữ vùng biên thêm tự tin, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng.
Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ
Năm 1998, gia đình bà Vi Thị Mai (dân tộc Thái) rời quê hương Thanh Hóa vào xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) lập nghiệp với ước mong cuộc sống khá giả hơn. Chăm chỉ làm lụng, nhưng khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi khiến nguồn thu của gia đình từ các vụ mùa chẳng đáng là bao. Năm 2015, tình cờ xem ti vi thấy giới thiệu mô hình trồng sả lấy tinh dầu, bà Mai đã mày mò tìm hiểu và quyết định thử nghiệm trên 5 sào đất. Thấy cây trồng này thích nghi khá tốt với thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết nơi đây, vợ chồng bà mở rộng diện tích lên 3 ha. Bà Mai bộc bạch: “Cây sả sinh trưởng tốt nên mỗi năm có thể cắt lá được khoảng 6 đợt, mỗi đợt cho khoảng 4 tấn lá. Nguồn nguyên liệu dồi dào này đã mang về cho gia đình nguồn thu nhập 168 triệu đồng/năm".
Lò ép tinh dầu của Hợp tác xã tinh dầu sả Phát Đạt. |
Năm 2017, bà Mai tiếp tục tăng diện tích trồng sả lên 6 ha, đầu tư thêm lò ép tinh dầu, đồng thời hướng dẫn lại kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các hộ dân trên địa bàn. Hiện toàn xã có hàng trăm hộ dân trồng sả lấy tinh dầu với tổng diện tích hàng chục héc-ta, giá bình quân tinh dầu sả khoảng 450 nghìn đồng/lít, thậm chí có thời điểm lên tới 500 nghìn đồng/lít nên thu nhập cũng cao hơn trước và khá ổn định.
Chị Phạm Thị Anh Minh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Súp
|
Đặc biệt, được Hội LHPN các cấp quan tâm, động viên, tháng 10-2018, Hợp tác xã tinh dầu sả Phát Đạt đã ra mắt đầu tiên trên địa bàn huyện Ea Súp, do bà Vi Thị Mai làm Chủ nhiệm. Bà Mai vui mừng cho biết, Hợp tác xã hiện có 9 thành viên, trồng khoảng 50 ha sả (trong đó 20 ha đã cho thu hoạch). Ngoài chế biến tinh dầu sả nguyên chất để phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh, đây còn là nơi để các thành viên giúp đỡ nhau sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế bền vững. Có được điều này, nhờ sự giúp đỡ rất lớn từ Hội LHPN các cấp, nhất là Hội LHPN huyện. Sắp tới, Hợp tác xã sẽ mở rộng thêm diện tích, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời đưa cây sả thành cây trồng chủ lực trên vùng đất biên cương đầy nắng gió.
Nhiều cách làm thiết thực
Trong năm qua, Hội LHPN huyện Ea Súp đã tích cực thực hiện nhiều chương trình, hoạt động nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế. Nổi bật là Hội đã phối hợp giúp đỡ 31 hội viên vay vốn phát triển kinh tế bằng các hình thức: trồng cây ăn trái, phát triển chăn nuôi, kinh doanh mặt hàng gia dụng, nước giải khát...
Có mặt bằng thuận lợi, nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Loan (thị trấn Ea Súp) vẫn gặp khó vì thiếu vốn mở rộng mặt hàng kinh doanh. Đang tìm cách xoay vốn thì chị Loan được Hội LHPN huyện phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng. Nhờ đó, chị đã mạnh dạn đầu tư đa dạng các mặt hàng gia dụng, giúp việc kinh doanh của gia đình ngày càng phát triển.
Bà Vi Thị Mai (bên phải) giới thiệu vùng trồng nguyên liệu của Hợp tác xã tinh dầu sả Phát Đạt. |
Cùng với đó, Hội LHPN huyện cũng đã chỉ đạo Hội LHPN xã Cư Kbang thành lập mô hình Dệt may đồ thổ cẩm dân tộc H’Mông với 6 thành viên, góp phần tạo việc làm cho nhiều chị em trên địa bàn với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Hội còn hướng dẫn Câu lạc bộ Phụ nữ tiểu thương của thị trấn Ea Súp (21 thành viên) cam kết bán hàng đảm bảo vệ sinh an toàn và tiêu thụ các sản phẩm của các mô hình phụ nữ khởi sự kinh doanh; vận động hội viên mua hàng hóa, sản phẩm, vật tư từ các đại lý, các cửa hàng do phụ nữ làm chủ.
Góp phần mở lối thoát nghèo cho hội viên, Hội LHPN huyện cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở lớp học may dân dụng, dạy nghề miễn phí về đào tạo trồng lúa năng suất cao, nuôi heo; tập huấn về bảo hiểm nhân thọ và kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng... nhằm giúp chị em trang bị thêm kiến thức cần thiết để có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm, phát triển kinh tế.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc