Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk đối diện nguy cơ hạn hán trên diện rộng

09:12, 05/03/2019

Mặc dù mới bước vào đầu mua khô, nhưng ở một số khu vực trên địa bàn huyện Krông Búk, người dân đang phải “gồng mình” tìm đủ mọi cách để có nước cứu cây trồng. Thời điểm này, nhiều hồ đập, ao, suối… trên địa bàn huyện đã cạn kiệt nước, nguy cơ hạn hán diễn ra trên diện rộng là điều khó tránh khỏi trong thời gian tới.

Xã Ea Sin được đánh giá là địa bàn có mức độ khô hạn nặng nhất huyện. Toàn xã có 2 công trình hồ thủy lợi là Ea Kia và Ea Kar với khả năng cung ứng nước tưới cho khoảng 400 ha cây trồng đến nay đã cạn trơ đáy. Người dân nơi đây đang phải chi phí hàng chục triệu đồng thuê người đào, khoan giếng ngay dưới lòng hồ tìm mạch nước cứu cây trồng.

Chủ tịch UBND huyện Krông Búk Vũ Văn Mỹ (thứ hai từ phải sang) dẫn đoàn kiểm tra hướng dẫn các địa phương biện pháp  phòng chống hạn.
Chủ tịch UBND huyện Krông Búk Vũ Văn Mỹ (thứ hai từ phải sang) dẫn đoàn kiểm tra hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng chống hạn.

Anh Cao Anh Toàn ở buôn Ea Kăp, xã Ea Sin cho biết, gia đình anh có 3,2 ha cà phê đang trong giai đoạn bung hoa nên rất cần nước tưới để bảo đảm đậu trái. Các năm trước, nguồn nước từ hồ Ea Kăp vẫn đủ cho các hộ có rẫy chung quanh tưới cà phê hết đợt 3, nhưng năm nay bà con mới tưới xong đợt 1 thì hồ đã khô cạn. Gia đình anh đã phải thuê người đào giếng sâu 20 mét ngay dưới lòng hồ để lấy nước tưới cho cây trồng. Tuy nhiên, mỗi ngày cũng chỉ bơm liên tục được khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ, rồi lại phải chờ nước hồi; nhiều diện tích cà phê của gia đình chưa kịp tưới đang bắt đầu khô quắt lá.

 

“Nếu tình trạng khô hạn kéo dài khoảng 1 tháng nữa thì trên địa bàn huyện Krông Búk sẽ có trên 50% diện tích cà phê và các cây trồng lâu năm khác bị ảnh hưởng nặng, thậm chí mất trắng”.

 

Ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk.

Gia đình ông Y Yut Niê ở buôn Ea Liang, xã Cư Pơng cũng đang chầu chực ngày đêm bơm tưới nước cho rẫy cà phê xen tiêu. Theo ông Y Yut, may mắn là khu vực rẫy của ông nằm sát với hồ thủy lợi Ea Liang (xã Cư Pơng), mặc dù mực nước chỉ còn ¼ so với hồi tháng 11-2018, nhưng vẫn đủ để ông tưới đợt 2 cho hơn 4 ha cà phê của mình. Năm nay do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu nước của người dân tăng mạnh, trong khi dung tích chứa ở hồ lại nhỏ nên khi nhiều hộ tưới cùng lúc thì nước rút rất nhanh. Để tưới đủ cho 4 ha cà phê nhà mình, ông Y Yut phải bỏ chi phí lên đến 60 triệu đồng mua ống nước, thuê đường điện 3 pha và dầu chạy máy nổ... “Nếu nắng nóng kéo dài thêm 1 tháng nữa, chắc chắn trên 300 ha cây trồng quanh hồ chứa Ea Liang của người dân sẽ không thể đủ nước tưới, cà phê sẽ lại mất mùa”- ông Y Yut lo lắng nói.

Toàn huyện Krông Búk có 30.000 ha cây trồng các loại (20.000 ha cà phê, 1.300 ha hồ tiêu, cây ăn quả 1.500 ha, còn  lại là các cây trồng khác). Trong khi đó trên địa bàn huyện chỉ có 43 công trình thủy lợi, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tưới cho cây trồng, còn lại là phụ thuộc vào các khe, suối tự nhiên và ao, hồ do người dân tự đào. Năm nay, do nắng nóng kéo dài nên một số hồ chứa công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đã cạn kiệt, xảy ra hạn cục bộ một số vùng. Người dân chỉ còn trông chờ vào các giếng khoan trong vùng. Song, mực nước ngầm tại nhiều khu vực như xã Cư Pơng, Ea Sin, Cư Né, Cư Kbô, Ea Ngai… cũng đã tụt giảm (bình quân trên 50% so với cùng kỳ năm 2018), nhiều hộ dân khoan 6 - 7 giếng nhưng vẫn không đủ nước để tưới.

Nhiều mạch nước ngầm ở xã Cư Pơng đến nay cũng dần khô cạn.
Nhiều mạch nước ngầm ở xã Cư Pơng đến nay cũng dần khô cạn.

Theo ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk, so với cùng kỳ năm 2018 thì mức độ hạn năm nay trên địa bàn diễn ra gay gắt hơn nhiều. Nếu trong thời gian tới trời tiếp tục không mưa thì nguy cơ hạn hán trên diện rộng có thể xảy ra. Để ứng phó với nguy cơ khô hạn kéo dài, Phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, hợp tác xã, tổ thủy nông trên địa bàn tích cực có các biện pháp điều tiết nước hợp lý tùy từng khu vực, điều kiện mỗi nơi. Phòng NN-PTNT huyện cũng chủ động phối hợp các các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến cáo người dân tích cực khơi thông các dòng chảy kênh mương thủy lợi; có biện pháp tủ rơm, lá khô tại gốc cây để tránh bốc hơi thất thoát nước; tưới nước tiết kiệm; chia lịch với nhau không tưới ồ ạt cùng một thời điểm; chuyển đổi cơ cấy cây trồng phù hợp với những khu vực thường xuyên thiếu nước…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc