Multimedia Đọc Báo in

Tăng thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp

09:39, 15/03/2019

Dù diện tích canh tác chỉ 1.000 m2 nhưng do biết áp dụng mô hình kinh tế và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, gia đình chị Trần Thị Thủy (thôn 2, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) vẫn có nguồn thu nhập khá.

Trước đây trên diện tích này, chị Thủy trồng cà phê, tiêu song do đất xấu, nguồn giống không bảo đảm nên năng suất thấp, mỗi năm gia đình chỉ thu được khoảng 3 tạ cà phê và 2 - 3 tạ tiêu, thu nhập chẳng đáng là bao. Gia đình chị đã thực hiện rất nhiều biện pháp nhưng năng suất cây trồng vẫn không được cải thiện nhiều. Năm 2017, khi tìm hiểu thị trường, nhận thấy nhu cầu về rau sạch rất lớn, chị Thủy bàn với gia đình mạnh dạn chuyển đổi 200 m2 đất sang trồng rau xanh, vừa trồng vừa tìm thị trường tiêu thụ… Sau vài tháng chăm sóc, thấy trồng rau xanh đem lại hiệu quả khả quan, lại được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ vay 8 triệu đồng từ Quỹ Khởi nghiệp – khởi sự của Huyện hội và 6 triệu đồng từ Tổ phụ nữ tiết kiệm của Chi hội Phụ nữ thôn, gia đình chị đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất sang trồng rau.

Chị Trần Thị Thủy (trái) giới thiệu mô hình trồng rau của gia đình với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Tar.
Chị Trần Thị Thủy (trái) giới thiệu mô hình trồng rau của gia đình với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Tar.

Trong khu vườn của mình, chị Thủy đã luân phiên trồng các loại rau như: bắp sú, dưa leo, cải, đậu cô ve, xà lách, bí, cà… Các loại rau được gia đình canh tác hợp lý, tùy theo nhu cầu của thị trường mà đưa vào trồng nhiều hay ít, qua đó có sản phẩm thu hoạch quanh năm. Chị cũng đã kịp thời nắm bắt và áp dụng tốt công nghệ tiên tiến vào thực tế sản xuất. Vườn rau của gia đình chị được đầu tư hệ thống tưới nước phun sương không chỉ tiết kiệm được nguồn nước tưới, nhân công lao động mà còn hạn chế được số cây rau bị dập, hao hụt khi tưới nước bằng biện pháp thủ công...

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên vườn rau luôn phát triển xanh tốt, năng suất, sản lượng ngày càng cao. Hiện nay, bình quân mỗi ngày gia đình chị xuất bán ra thị trường hàng chục ký rau xanh các loại; sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi ngày gia đình chị có thu nhập ổn định 200.000 – 300.000 đồng. Vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều ngày thu nhập tăng lên 500.000 – 800.000 đồng, tổng thu nhập mỗi tháng của gia đình đạt 6 – 9 triệu đồng, là nguồn thu không nhỏ đối với nông dân ở khu vực vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn như xã Ea Tar.

Điều đáng quý, không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình mình, chị Thủy còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng rau với các hội viên, phụ nữ, bà con ở địa phương. Bà Thái Thị Anh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Tar cho biết: “Trồng rau xanh theo hướng an toàn của gia đình chị Trần Thị Thủy là một trong những mô hình tiêu biểu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã. Những mô hình như thế này đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã khuyến khích phát triển nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho các hội viên phụ nữ”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.