Làm giàu trên mảnh đất quê hương
Nhờ năng động, nhiệt huyết và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, nhiều thanh niên ở huyện Cư Kuin đã khởi nghiệp thành công và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình...
Năm 2014, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh Phạm Trung Dũng ở thôn 14, xã Ea Tiêu được Huyện Đoàn Cư Kuin giới thiệu tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh và tham quan thực tế một số mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả trên địa bàn huyện. Vận dụng những kiến thức đã học cùng với sự giúp đỡ, tư vấn của tổ chức Đoàn đã giúp việc khởi nghiệp của anh khá thuận lợi.
Để khai thác triệt để diện tích đất sẵn có của gia đình, anh Dũng trồng xen bơ, sầu riêng, khoai lang, sắn dây trong vườn cà phê và tiêu. Với bản tính cần cù, chịu khó, anh đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu mua các giống cây cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương và học hỏi kinh nghiệm từ những người có thâm niên về loại cây này tại một số huyện trong tỉnh. Không dừng lại ở đó, anh Dũng luôn tìm hiểu thị trường để thay đổi các loại cây trồng ngắn ngày phù hợp tránh rơi vào tình trạng sản xuất ồ ạt khi giá lên cao.
Mô hình đa cây của anh Phạm Trung Dũng ở thôn 14, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin). |
Sau 4 năm khởi nghiệp với nghề nông, anh Dũng đã xây dựng được một mô hình kinh tế tổng hợp trên diện tích 3,5 ha. Năm vừa qua, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Dũng đã thu lãi hơn 700 triệu đồng. Dự kiến khoảng 2 năm tới, khi 200 cây sầu riêng Dona bước vào chu kỳ kinh doanh thì thu nhập từ vườn cây sẽ cao gấp 2 lần hiện nay. Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình đa cây của anh Dũng còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động ở địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng và gần 10 lao động thời vụ với thu nhập 180.000 đồng/ngày.
Anh Phạm Hồng Phú, Phó Bí thư Huyện Đoàn Cư Kuin
|
Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý đất đai (Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk) năm 2015, nhưng con đường lập nghiệp của anh Y Mến Hmok ở buôn Hra EaTlá, xã Dray Bhăng lại đầy gian nan. "Gõ cửa" xin việc nhiều nơi với mong muốn tìm cơ hội việc làm đúng với chuyên ngành đã học nhưng không thành công, anh Y Mến phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm sống.
Trong một lần đến huyện Lắk thăm người quen, nhận thấy mô hình trồng dưa hấu ở đây mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đầu Y Mến lóe lên suy nghĩ sẽ lập nghiệp từ cây dưa hấu. Để học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc, anh đã chủ động xin làm thuê cho một gia đình trồng dưa hấu có tiếng ở huyện Lắk. Trong quá trình tìm hiểu kỹ thuật, anh Y Mến phát hiện ra trồng dưa hấu thời gian thu hoạch ngắn (chỉ khoảng 2,5 tháng) nhưng để dưa cho năng suất cao, chất lượng trái ngon, đẹp đòi hỏi người trồng phải biết chăm sóc đúng cách, quan trọng nhất là khi dưa ra trái non phải biết cắt tỉa nhánh phụ và quả xấu để cây tập trung nuôi quả chính.
Anh Y Mến Hmok ở buôn Hra EaTlá, xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) tự tin phát triển kinh tế với mô hình trồng dưa hấu. |
Được sự giúp đỡ của gia đình cộng với số tiền tích lũy được trong thời gian đi làm trước đó, năm 2018, anh Y Mến đã mạnh dạn thuê 4 sào đất trồng dưa hấu, trong quá trình trồng anh tích cực học hỏi, đi thực tế trao đổi thêm kinh nghiệm.
Nhờ được chăm sóc bài bản nên vườn dưa hấu của anh Y Mến luôn cho năng suất cao và trở thành mô hình điểm cho đoàn viên, thanh niên ở huyện đến tham quan. Chỉ trong vụ đầu tiên, Y Mến đã thu được 18 tấn dưa, lợi nhuận đạt hơn 60 triệu đồng. Nếu dưa hấu vẫn giữ được mức giá ổn định khoảng 4.000 đồng/kg như hiện nay thì vụ dưa sắp tới, Y Mến dự kiến sẽ thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Anh cho biết, hiệu quả kinh tế bước đầu mà cây dưa hấu mang lại đã giúp anh tự tin, mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương...
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc