Multimedia Đọc Báo in

Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk: Đơn vị dẫn đầu cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

09:01, 09/05/2019

Với quyết tâm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trên địa bàn quản lý, Cục Hải quan Đắk Lắk đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp cải cách hành chính theo tinh thần “vừa phục vụ, vừa quản lý”, với 3 trụ cột chính là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức công vụ và áp dụng công nghệ thông tin.

Điểm nổi bật là đơn vị đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của ngành, chính quyền địa phương liên quan đến công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính; kiên quyết không để xảy ra tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu và tiêu cực của công chức trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, đơn vị cũng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN theo lộ trình chung của ngành; duy trì, triển khai thông suốt, hiệu quả hệ thống VNACCS/VCIS, hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động hải quan; kịp thời phổ biến, hướng dẫn các quy định, quy trình mới liên quan đến thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, công tác quản lý thuế, xuất xứ, phân tích phân loại hàng hóa, tham vấn giá... Cùng với đó, xử lý, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) trong quá trình làm thủ tục hải quan theo đúng Tuyên ngôn phục vụ khách hàng. Nhờ đó, nhiều DN trước đây không làm thủ tục tại đơn vị thì nay đã chọn mở tờ khai tại đây. Từ những giải pháp đã thực hiện trên, người dân, DN luôn hài lòng với thái độ phục vụ của cơ quan, cán bộ công chức Cục Hải quan Đắk Lắk, đồng thuận, hợp tác với đơn vị và chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan.

q
Công chức Cục Hải quan Đắk Lắk kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu

Công tác cải cách hành chính của Cục Hải quan Đắk Lắk đã được UBND tỉnh Đắk Lắk ghi nhận và đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong 3 năm liên tục (2016, 2017 và 2018), Cục Hải quan Đắk Lắk được UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá và xếp hạng nhất trong các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh về chỉ số cải cách hành chính.

Ở một khía cạnh khác, trong năm 2018, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của DN về thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu và triển khai đo thời gian giải phóng hàng năm 2018. Theo kết quả của khảo sát này, trong chỉ số tổng hợp khảo sát DN về mức độ hài lòng, Cục Hải quan Đắk Lắk được xếp hạng thứ nhất trong 35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Trong đó, đối với 5 chỉ số thành phần, có 2 chỉ số xếp hạng thứ nhất, bao gồm: chỉ số về thủ tục quản lý thuế và chỉ số về kiểm tra sau thông quan; 3 chỉ số xếp hạng thứ hai, gồm: chỉ số về tính chuyên nghiệp và liêm chính của cán bộ, chỉ số về thông tin tuyên truyền và chỉ số về thủ tục thông quan. Đối với chỉ số thời gian giải phóng hàng, Cục Hải quan Đắk Lắk được xếp hạng thứ 10 trong 35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bên cạnh những đánh giá tích cực từ cộng đồng DN, các đơn vị trong và ngoài ngành, công tác cải cách hành chính của Cục Hải quan Đắk Lắk còn mang về cho đơn vị nhiều kết quả khả quan trong công tác quản lý hải quan. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã thu hút thêm 28 DN mới về làm thủ tục, nâng số DN làm thủ tục tại đơn vị lên 212 DN, tăng 10% so với năm 2018. 28 DN mới này đã mở 112 tờ khai trong 4 tháng đầu năm 2019, nâng tổng số tờ khai tại đơn vị lên gần 6.200 tờ khai, tăng gần 500 tờ khai so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, kim ngạch XNK tại đơn vị trong 4 tháng đạt 589 triệu USD, thu NSNN đạt trên 309 tỷ đồng, tương đương 36% chỉ tiêu dự toán Bộ Tài chính giao trong năm 2019. Riêng các DN mới chọn Cục Hải quan Đắk Lắk làm thủ tục xuất nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm đã đóng góp kim ngạch gần 38 triệu USD, thu ngân sách đạt 83 tỷ đồng.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.