Multimedia Đọc Báo in

Thử sức với "Thương vụ bạc tỷ"

10:03, 12/05/2019

Khi Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ ra mắt, đã đem một làn gió mới cho cộng đồng khởi nghiệp. Chương trình Shark Tank mùa thứ 3 chính thức khởi động với các vòng tuyển chọn và tư vấn cho các startup đã diễn ra tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tuy nhiên, đây mới là mùa đầu tiên các startup Đắk Lắk tham gia, đánh dấu bước trưởng thành của cộng đồng khởi nghiệp tỉnh.

Tại vòng tuyển chọn Chương trình Shark Tank mùa 3 tổ chức ở TP. Đà Nẵng vào ngày 27-4, Cốm nghệ Huvahi (top 10 Cuộc thi khởi nghiệp khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2018) của nhóm khởi nghiệp gồm các thành viên: Trần Thị Nhật Anh, Hoàng Văn Huynh, Trần Thị Cẩm Vân, Phạm Thị Bích Ngọc đã mạnh dạn tham gia.

Chia sẻ câu chuyện ý tưởng về sản phẩm cốm nghệ của mình, Trần Thị Nhật Anh cho biết: "Năm 2016 giá của tinh bột nghệ tăng cao khiến cho người dân trồng ồ ạt, dẫn đến năm 2017 sản lượng nghệ của tỉnh Đắk Lắk tăng gấp 70 lần. Cũng vì lý do này mà giá của tinh bột nghệ sau đó bị giảm đáng kể, nguồn cung cao hơn cầu làm cho nông sản địa phương bị tồn đọng, bà con nông dân gặp khó khăn. Trước thực trạng này, chị Trần Thị Cẩm Vân (người đồng sáng lập) vốn là người có chuyên môn về bào chế đã nghiên cứu cho ra sản phẩm cốm nghệ dạng sợi. Thời gian đầu chỉ phục vụ cho công tác giảng dạy, khi nắm bắt được nhu cầu thị trường và mong muốn giúp người trồng nghệ ổn định đầu ra, chị đã bàn với chồng là anh Hoàng Văn Huynh (người đồng sáng lập) thử nghiệm sản xuất với quy mô gia đình để bán cho người thân và bạn bè. Đến năm 2017, sau khi hoàn thành xong chương trình đại học và trở về quê hương, tôi đã cùng anh chị của mình quyết định mạnh dạn dấn thân quyết tâm khởi nghiệp bằng cốm nghệ".

Các startup tham gia vòng tuyển chọn Shark Tank mùa thứ 3 tại Đà Nẵng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Các startup tham gia vòng tuyển chọn Shark Tank mùa thứ 3 tại Đà Nẵng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Những ngày đầu khởi nghiệp, nhóm Cốm nghệ Huvahi gặp rất nhiều khó khăn trong nghiên cứu cũng như hoàn thiện sản phẩm. Không ít lần thử nghiệm thất bại, nhưng nhóm không nản chí, họ cùng nghiên cứu về tỷ lệ phối trộn, độ ẩm và “độ chế” lại máy móc để phù hợp với nguyên liệu. Chính bằng niềm đam mê, quyết tâm đó, những sản phẩm đầu tiên đã đến được với khách hàng. Đến nay, sản phẩm Cốm nghệ Huvahi đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong nước. Với mong muốn nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây nghệ, mang lại chuỗi giá trị cho địa phương, nhóm đã mạnh dạn tham gia vòng tuyển chọn Shark tank để tìm kiếm vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, nâng cấp nhà xưởng, nghiên cứu sản phẩm mới từ cây nghệ và một số nông sản khác…

Trần Thị Nhật Anh, một thành viên của nhóm Cốm nghệ Huvahi trình bày dự án tại cuộc thi. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trần Thị Nhật Anh, một thành viên của nhóm Cốm nghệ Huvahi trình bày dự án tại cuộc thi. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cùng hành trình tham gia vòng tuyển chọn Shark Tank mùa thứ 3 tại Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội gọi vốn đầu tư phát triển quy mô doanh nghiệp và thương hiệu Mắc ca Kim Bình, anh Nguyễn Bá Đạo, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Kim Bình Mắc ca chia sẻ, từ doanh nghiệp chuyên cung cấp giống cây mắc ca, nhận thấy thị trường hạt mắc ca còn nhiều tiềm năng nên anh mạnh dạn chuyển qua thu mua và chế biến các sản phẩm từ hạt mắc ca tươi. Ngoài việc cung cấp hạt mắc ca nguyên liệu cho các đơn vị chế biến, để cạnh tranh, bên cạnh các sản phẩm mắc ca truyền thống như: hạt mắc ca rang sấy dập nứt, hạt mắc ca nhân, doanh nghiệp của anh còn phát triển các sản phẩm cà phê dinh dưỡng mắc ca, rượu cần mắc ca, sữa tươi mắc ca mang nhãn hiệu Đặc sản Tây Nguyên Macca Kim Bình.

Điểm độc đáo so với sản phẩm mắc ca hiện có trên thị trường là mắc ca rang củi tạo hương vị thơm giòn khác biệt. Còn đối với cà phê mắc ca được ra mắt, giới thiệu tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 vừa qua cũng là sản phẩm tiềm năng đang được doanh nghiệp nghiên cứu để mở rộng thị trường. Mặc dù mới làm thử nghiệm, chưa được bán rộng rãi trên thị trường, nhưng sản phẩm sữa tươi mắc ca được khách hàng ở địa phương tin dùng. Đây là động lực để doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất để sớm đưa sản phẩm ra thị trường… Hành trình chinh phục Shark Tank cũng là bước thử sức trên chặng đường hiện thực hóa khát vọng trở thành đơn vị hàng đầu trong ngành chế biến mắc ca Việt Nam và thế giới mà Kim Bình Mắc ca đang nỗ lực vươn tới.

Tham dự vòng tuyển chọn tại TP. Đà Nẵng, cộng đồng khởi nghiệp của tỉnh có 6 startup tham gia: Cốm nghệ Huvahi, Pizza Bếp Nhà, Trà Mãng cầu Nguyễn Văn, Tinh dầu BMEC, Mắc ca Nguyên Phương, Mắc ca Kim Bình. Trong đó, 3 dự án được đặc cách trực tiếp vào vòng chung kết gồm: Mắc ca Nguyên Phương, Trà mãng Cầu Nguyễn Văn và Pizza Bếp Nhà.

Chương trình Shark Tank mùa thứ 3 có sự đồng hành của đối tác chiến lược: Tập đoàn Bất động sản cao cấp Tân Hoàng Minh, Chuỗi Trung tâm tiếng Anh Apax Leaders thuộc Tập đoàn Egroup, Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam và Bệnh viện Đa khoa Phương Đông. Các “Cá mập” sẽ xuất hiện trong Shark Tank mùa 3 gồm: ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Egroup; ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT Intracom Group và ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam.

Ngọc Khuê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.