Multimedia Đọc Báo in

Đưa cán bộ trẻ có trình độ về hợp tác xã nông nghiệp: Tạo nguồn động lực mới

08:53, 28/06/2019

Hơn một năm qua, mô hình thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã đạt được những hiệu quả tích cực bước đầu, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của HTX.

Toàn tỉnh hiện có hơn 220 HTX nông nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho gần 6 nghìn lao động. Các HTX nông nghiệp chủ yếu thực hiện cung ứng dịch vụ cho thành viên, liên kết nông dân để tạo vùng sản xuất ổn định và mở rộng thị trường hàng hóa của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh, nhiều HTX nông nghiệp đã tích cực đổi mới phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chú trọng đầu tư chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, đa số HTX nông nghiệp đều thiếu nguồn nhân lực trẻ, có trình độ cùng tham gia vận hành bộ máy, tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại. Đây là một trong những thách thức lớn mà các HTX nông nghiệp đang gặp phải.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã lựa chọn 5 HTX nông nghiệp tham gia mô hình thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn. Mức hỗ trợ cho mỗi lao động bằng mức lương tối thiểu vùng, thực hiện tối đa 36 tháng, trong giai đoạn 2018 - 2020. Việc tuyển dụng nhân sự được giao cho HTX chủ động thực hiện, ưu tiên lao động tại địa phương và con em của thành viên, góp phần tạo nguồn nhân lực gắn bó lâu dài với HTX.

HTX Thăng Tiến tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà phê năm 2019.
HTX Thăng Tiến tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà phê năm 2019.

HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (xã Hòa An, huyện Krông Pắc) đã chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới từ năm 2014 với chức năng chính là cung ứng điện sản xuất, phân bón, mua bán nông sản... cho thành viên và nông dân liên kết. Do nguồn kinh phí hạn hẹp, HTX chỉ thuê kế toán làm dịch vụ ngoài giờ, chủ yếu phụ trách công tác báo cáo thuế theo định kỳ cho các cơ quan chức năng.

Các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc HTX không chỉ điều hành, quản lý mà phải kiêm luôn việc tính toán thu chi, cân đối giá thành, theo dõi công nợ... với khối lượng công việc ngày càng nhiều. Phần lớn tuổi đã cao, lại không được đào tạo chuyên sâu, yếu kỹ năng tin học nên cán bộ HTX rất vất vả trong đảm đương công việc. Nhờ nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh, HTX đã tuyển dụng chị Võ Thị Hằng Nga, cử nhân chuyên ngành kế toán làm việc tại đơn vị.

Không chỉ làm tốt công việc chuyên môn, chị còn sát cánh cùng lãnh đạo HTX tại các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, soạn thảo hợp đồng, nghiên cứu và tìm hướng sản xuất các sản phẩm mới. Chị được HTX cử tham gia nhiều chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phát triển thương hiệu, sản xuất cà phê bền vững, tái canh cà phê... Ngoài mức lương do UBND tỉnh hỗ trợ, HTX còn phụ cấp thêm 1 triệu đồng/tháng để chị Nga yên tâm công tác.

Tương tự, chị Vũ Thị Huyền Vân cũng được UBND tỉnh hỗ trợ trả lương để làm việc tại HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (xã Cư Kty, huyện Krông Bông). Vì hoạt động của HTX tương đối rộng trong các lĩnh vực: thu mua nguyên liệu mía đường và lúa gạo, kinh doanh vật tư, cung cấp dịch vụ nông nghiệp, vệ sinh môi trường, xây dựng nên khối lượng công việc của kế toán khá nặng, liên tục phát sinh doanh thu, công nợ hằng ngày.

Chị Vân mạnh dạn đề xuất Ban Giám đốc HTX mua phần mềm kế toán Misa để thuận tiện trong công việc và quản lý tốt dữ liệu của đơn vị. Ngoài chuyên môn chính về kế toán, chị Vân còn có bằng Trung cấp Luật nên được HTX giao phụ trách lập hồ sơ đấu thầu, tham gia các dự án liên kết sản xuất, cung cấp vật tư... cho nhiều đơn vị đối tác. Hiện chị được HTX phụ cấp thêm khoảng 3 triệu đồng/tháng ngoài mức hỗ trợ của UBND tỉnh, bảo đảm thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng.

Chị Vũ Thị Huyền Vân xử lý số liệu kinh doanh trong ngày của HTX Thăng Bình.
Chị Vũ Thị Huyền Vân xử lý số liệu kinh doanh trong ngày của HTX Thăng Bình.

Giám đốc HTX Thăng Bình Võ Văn Sơn chia sẻ, từ ngày tuyển dụng được kế toán có chuyên môn tốt, thạo việc, công tác điều hành, quản lý HTX nhẹ nhàng hơn rất nhiều, không còn cảnh “lò mò”, tự tra cứu, tự làm, tự sửa như trước đây. Việc theo dõi doanh thu, phân tích lợi nhuận thêm phần minh bạch, rõ ràng, tạo sự yên tâm, tin tưởng của thành viên HTX và nông dân liên kết. Những thủ tục báo cáo với cơ quan Thuế, đàm phán với các đơn vị đối tác cũng được triển khai nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm yêu cầu công việc.

Có thể nhận thấy, hiệu quả bước đầu của mô hình thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại các HTX nông nghiệp đã đạt được từ cả hai phía. Về phía HTX, các đơn vị đều tận dụng tốt nguồn hỗ trợ để hiện thực hóa kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh. Phía người lao động không chỉ có môi trường thuận lợi để cống hiến trí tuệ và sức trẻ, mà còn có động lực khởi nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Theo ông Nguyễn Hữu Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, kết quả của giai đoạn thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại 5 HTX nông nghiệp trên địa bàn sẽ là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng của tỉnh đánh giá, đề xuất các bộ ngành Trung ương xem xét mở rộng chương trình trong những năm tiếp theo.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.