Multimedia Đọc Báo in

Khởi sắc diện mạo kinh tế hợp tác xã

09:44, 03/06/2019

Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18-3-2002 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), thành phần kinh tế quan trọng này đã có những bước phát triển vững chắc.

Tăng trưởng cả về lượng và chất

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường cho rằng, các  hợp tác xã (HTX) đã thể hiện vai trò nòng cốt trong thành phần KTTT, đóng góp không nhỏ tới sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, liên kết, tập hợp người lao động, hộ gia đình trong tổ chức sản xuất, cũng như làm cầu nối giữa chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội với người nông dân, góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống.

Vườn cà phê chất lượng cao của Hợp tác xã Dịch vụ, Nông nghiệp Công bằng Ea Kmat Hòa Đông (huyện Krông Pắc).
Vườn cà phê chất lượng cao của Hợp tác xã Dịch vụ, Nông nghiệp Công bằng Ea Kmat Hòa Đông (huyện Krông Pắc).

Toàn tỉnh hiện có 3 Liên hiệp HTX, 459 HTX hoạt động trong các lĩnh vực: nông nghiệp (262 HTX), công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (55 HTX), xây dựng (26 HTX), vận tải (48 HTX), thương mại (56 HTX) và 12 quỹ tín dụng nhân dân. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, vốn hoạt động bình quân đạt 2,5 tỷ đồng/HTX, tỷ lệ HTX xếp loại khá, giỏi đạt trên 50%, với nhiều mô hình hoạt động hiệu quả theo hướng kết hợp giữa dịch vụ và sản xuất, chế biến, kinh doanh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, qua đó hình thành các chuỗi giá trị, liên kết sản xuất. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều HTX đã chú trọng đến sản xuất có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và liên kết với nông hộ, doanh nghiệp để cung ứng dịch vụ đầu vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định. Các HTX lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thu hút 4.000 lao động, trong đó có nhiều đơn vị đã đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với lĩnh vực vận tải, số lượng xe buýt của HTX chiếm 70% mạng lưới xe buýt toàn tỉnh, các HTX đã cung ứng dịch vụ thiết yếu cho thành viên như: luồng tuyến, bến bãi, lưu hành và xử lý rủi ro.

Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh cho biết, giai đoạn 2003 - 2018, mỗi năm toàn tỉnh có 30 HTX thành lập mới. Đến nay, tất cả các HTX đã hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới theo Luật HTX năm 2012. Bên cạnh đó, hoạt động của HTX đi vào thực chất, hiệu quả nhờ giải thể được 315 HTX yếu kém, tồn tại hình thức trên tinh thần tự nguyện hoặc bắt buộc. Nhiều HTX xã đã chủ động đa dạng hóa ngành nghề, mở rộng quy mô sản xuất, qua đó tăng thêm việc làm, thu nhập cho thành viên và người lao động. Thống kê cho thấy, lợi nhuận bình quân của HTX đạt 185 triệu đồng/năm, thu nhập của thành viên HTX đạt mức 30 triệu đồng/năm/thành viên, hằng năm, KTTT đóng góp bình quân 13% vào GDP của tỉnh.

Cần tận dụng hơn nữa lợi thế của địa phương

Những năm qua, nhờ cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý đối với kinh tế tập thể ngày càng hoàn thiện, nhiều hoạt động hỗ trợ được triển khai đến các HTX. Cụ thể, giai đoạn 2003 – 2018 đã có 246 HTX được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí 1,64 tỷ đồng. Riêng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, có 28 HTX được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 1,1 tỷ đồng. Cùng với đó, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã giải ngân cho 88 lượt HTX vay vốn, với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ hơn 4,2 tỷ đồng cho 40 HTX nông nghiệp để xây dựng mô hình HTX điển hình tiên tiến và mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh. Về chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của HTX, các sở, ngành, địa phương đã đào tạo, tập huấn cho gần 4.000 lượt cán bộ HTX. Chưa kể, nhiều chương trình khác cũng được triển khai hiệu quả như: hỗ trợ HTX trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất...

Chăm sóc vườn cây giống tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bình An (huyện Ea H’leo).
Chăm sóc vườn cây giống tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bình An (huyện Ea H’leo).

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá, Đắk Lắk là một trong những địa phương có hoạt động KTTT sôi động so với tình hình chung của cả nước. Tuy nhiên, để thành phần kinh tế này thực sự phát huy vai trò trong quá trình tái cơ cấu kinh tế của tỉnh thì địa phương cần tạo động lực, sức sống mới và quyết tâm cao trong nhận thức và hành động từ cả hệ thống chính trị đến người dân, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và giá trị của các tổ chức hợp tác, HTX. Đặc biệt, cần phát triển KTTT theo hướng khai thác có hiệu quả thế mạnh nông nghiệp của địa phương, hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn, sản xuất sản phẩm mang tính đặc trưng và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là những doanh nghiệp lớn, đủ năng lực liên kết với các HTX để thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị.

Về giải pháp phát triển KTTT trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Võ Ngọc Tuyên cho rằng, các sở, ngành, địa phương cần phối hợp triển khai đồng bộ, hiệu quả những chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX, lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia để hỗ trợ HTX; tạo điều kiện để các HTX tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tranh thủ hỗ trợ từ những tổ chức phi chính phủ, nhà tài trợ. Bên cạnh đó, bản thân các HTX cần chú trọng nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành sản phẩm, coi trọng và có chế độ đãi ngộ xứng đáng với những người tài có nhiều cống hiến cho HTX; đồng thời, chủ động xây dựng phương án sản xuất phù hợp để tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Toàn tỉnh hiện có 5.000 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết vay vốn, tín dụng tiết kiệm, thu hút 60.000 thành viên, người lao động. Các tổ hợp tác chủ yếu tập trung ở địa bàn nông thôn, hợp tác linh hoạt, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, tài nguyên, lao động tại địa phương.

Minh Thông – Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.