Phong trào "Đắk Lắk chung tay xây dựng nông thôn mới": Huy động được sức mạnh của toàn dân
Sau 8 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới (NTM), bằng nhiều giải pháp thiết thực, sáng tạo, Đắk Lắk đã huy động được nội lực trong nhân dân cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ này.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 43 xã đạt chuẩn NTM, vượt 3 xã so với kế hoạch đề ra. Tổng số tiêu chí đạt được 2.104/2.888 tiêu chí; bình quân đạt 13,84 tiêu chí/xã, tăng 3,41 tiêu chí/xã so với năm 2015; toàn tỉnh không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí; TP. Buôn Ma Thuột đã hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, với 8/8 xã đạt chuẩn. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2016 - 2018), các hộ dân đã đóng góp khoảng 780 tỷ đồng, hiến 470 nghìn m2 đất, hơn 108 nghìn ngày công lao động… để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu ở nông thôn.
Mô hình trồng cây ăn trái xen trong vườn cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). |
Có được kết quả này là nhờ vào công tác tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào phong trào thi đua “Đắk Lắk chung sức xây dựng NTM”. Điển hình như Công an tỉnh trong việc góp phần thực hiện có hiệu quả tiêu chí 19.2 (xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên: không có khiếu kiện đông người kéo dài; không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm trước) của Chương trình xây dựng NTM.
Lực lượng Công an các cấp đã thực hiện tốt nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia, chủ động tham mưu triển khai nhiều chương trình, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự khu vực nông thôn. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc lồng ghép nội dung tuyên truyền thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Lực lượng Công an các cấp đã tổ chức được 1.391 buổi phát động, với trên 197.600 lượt người tham dự; kết hợp đưa 88 đối tượng vi phạm pháp luật ra kiểm điểm trước dân; tuyên truyền phòng chống ma túy và tác hại của ma túy được 236 buổi, với 56.883 lượt người tham dự; tổ chức 144 đợt phổ biến, giáo dục pháp luật; hướng dẫn nhân dân phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội, phối hợp ngăn chặn, đấu tranh, xử lý những hành vi xâm phạm an ninh trật tự.
Qua đó, nhân dân đã cung cấp 1.100 tin báo tố giác tội phạm, trong đó có 745 tin có giá trị giúp lực lượng Công an các cấp làm rõ nhiều vụ việc. Nhờ vậy, chỉ qua 2 năm (2017 - 2018) tham gia phong trào, số xã đạt tiêu chí 19.2 tăng gấp 2 lần, hiện đã có 117/152 xã đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự xã hội và bình yên, mặc dù đây là tiêu chí “mềm” rất khó giữ vững.
Con đường hoa nông thôn mới ở xã Quảng Hiệp (huyện Cư M'gar). |
Tương tự, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh cũng đã phát huy vai trò của mình, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền và các ngành, đoàn thể thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Đắk Lắk chung sức xây dựng NTM” bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Điển hình trong phong trào “Đắk Lắk chung sức xây dựng NTM” là việc triển khai xây dựng mô hình “Đường hoa phụ nữ”. Lúc đầu, việc triển khai mô hình gặp không ít khó khăn do ở nông thôn, một số nơi hai bên vệ đường thường được bà con tận dụng trồng cỏ nuôi bò, trông bắp, trồng rau, trồng sả... để phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Nhưng các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động bà con theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, từ đó đã tác động đến nhận thức, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chị em phụ nữ và có những hành động thiết thực hơn trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Đến nay, cả tỉnh đã có 102 con đường hoa được hình thành. Những con đường hoa đã thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường, ở những nơi đã trồng hoa, không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi như trước. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc thực hiện vệ sinh môi trường, đồng thời tô điểm thêm cho bộ mặt nông thôn, góp phần giáo dục cho mọi người có ý thức hơn trong việc bảo vệ và giữ gìn cảnh quan thôn, xóm. Ngoài ra, Hội Phụ nữ các cấp đã vận động, hỗ trợ xây dựng được 308 công trình nhà tắm, nhà tiêu kiên cố với tổng trị giá gần 1,8 tỷ đồng; vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng thôn, buôn...
Theo Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia của tỉnh, Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ hăng say, nhiệt huyết tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng NTM. Đặc biệt, từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, xác định rõ lợi ích và trách nhiệm của mình với cộng đồng để tự lựa chọn công trình, phần việc thiết thực, phù hợp nhằm đóng góp xây dựng NTM tại địa phương. Ở đây, cần đặc biệt nhấn mạnh đến sức mạnh của công tác tuyên tuyền, vận động của toàn hệ thống chính trị, nhất là vai trò đầu tàu của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến xã. Cơ chế trao quyền tự quyết cho cộng đồng (thôn, xã) đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của các địa phương, sự tham gia của người dân, tạo nên sức mạnh to lớn của toàn xã hội thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Sự hỗ trợ của Nhà nước tuy hạn chế, nhưng đã được sử dụng có hiệu quả cao, kết hợp với sự đóng góp lớn của nhân dân.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc