Huyện Krông Búk: Đa dạng hình thức hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế
Nhờ đa dạng hình thức hỗ trợ, Hội Nông dân huyện Krông Búk đã giúp nhiều hội viên có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống.
Huyện Krông Búk có hơn 10.000 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 106 chi hội. Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Trạm Thú y, Trung tâm Dạy nghề huyện… mở các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức tham quan, học tập một số mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài huyện. Đặc biệt là đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ 2.431 hội viên vay vốn, với tổng dư nợ hơn 80,8 tỷ đồng; giúp 31 hội viên vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thực hiện 5 dự án với số vốn giải ngân gần 770 triệu đồng. Nhờ những hình thức hỗ trợ thiết thực, trên toàn huyện đã có 766 hội viên đạt mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,2%.
Vườn cà phê ghép chồi của ông Chu Thế Tráng (ở buôn Drây Huê, xã Cư Pơng) đã ra quả bói. |
Sở hữu 1,4 ha cà phê già cỗi, kém hiệu quả, từ lâu ông Chu Thế Tráng, ở buôn Drây Huê (xã Cư Pơng) muốn chuyển đổi, cải tạo để trồng giống cà phê mới nhưng thiếu vốn. Năm 2018, được Hội Nông dân huyện tín chấp cho vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân do Trung ương Hội ủy thác trong thời gian 36 tháng, ông Tráng chọn những cây cà phê cho năng suất thấp, cưa ngang gốc rồi ghép chồi TR4 mua tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để tái canh. Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn cà phê của gia đình ông Tráng đã bắt đầu cho thu bói, dự kiến năng suất đạt khoảng 3 kg quả tươi/cây.
Tương tự, năm 2017 anh Lưu Hoàng Hà ở buôn Ea Kring (xã Ea Sin) cũng được vay 40 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện để mua 2 con bò cái và làm chuồng chăn nuôi. Cùng với đó, anh Hà còn được tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi bò do Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức, nhờ đó nắm vững được quy trình chăm sóc. Anh Hà chia sẻ: “Từ 2 con bò cái ban đầu, hiện nay đàn bò của gia đình đã phát triển lên 5 con và chỉ ít tháng nữa thôi đàn sẽ tăng thêm 2 con nữa”.
Mô hình nuôi bò sinh sản của anh Lưu Hoàng Hà (ở buôn Ea Kring, xã Ea Sin). |
Bà Cao Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Búk
|
Không chỉ hỗ trợ vay vốn, mỗi năm Hội Nông dân huyện Krông Búk còn phối hợp với doanh nghiệp cung ứng 600 tấn phân bón các loại cho hội viên theo hình thức trả chậm với giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng; đồng thời tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách thức sử dụng phân bón theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời gian và đúng phương pháp) để vừa tiết kiệm chi phí lại đạt hiệu quả cao.
Gia đình ông Hoàng Văn Phố ở buôn Ea Kring (xã Ea Sin) là một trong những hộ dân sử dụng hiệu quả chương trình hỗ trợ mua phân bón trả chậm của Hội Nông dân huyện. Trước đây, cứ đến vụ sản xuất, gia đình ông Phố phải mua nợ phân bón của các đại lý với lãi suất khoảng 1- 2%/tháng.
Từ khi tham gia chương trình cung ứng phân bón trả chậm của Hội Nông dân, gia đình ông Phố không còn áp lực về vốn đầu tư cho vườn cà phê. Ông Phố cho hay: "Hội Nông dân huyện liên kết trực tiếp với doanh nghiệp phân phối phân bón cho nông dân, không phải qua nhiều khâu trung gian nên giá cả hợp lý, không lo tình trạng phân bón giả, kém chất lượng".
Bà Cao Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, để đạt được mục tiêu trung bình mỗi năm giúp 2 - 2,5% hội viên thoát nghèo, Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, máy móc, hàng hóa theo phương thức trả chậm; chuyển phương thức từ cho vay theo hộ sang nhóm hộ, tổ liên kết, hợp tác nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên đóng góp xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng như tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi khác từ ngân hàng để giúp nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững…
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc