Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea Drơng "nước rút" về đích nông thôn mới

09:44, 02/08/2019

Với mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ea Drơng (huyện Cư M'gar) đang tích cực triển khai nhiều phần việc nhằm sớm hoàn thành các tiêu chí còn lại để ra mắt xã NTM đúng hẹn.

Ea Drơng là xã thuần nông, có 2.991 hộ dân với 13.850 nhân khẩu, trong đó 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2011, xã triển khai xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp: thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 12 triệu đồng/năm; lực lượng lao động chưa qua đào tạo nghề chiếm tỷ lệ cao; kết cấu hạ tầng giao thông kém; trình độ dân trí thấp…

Xác định người dân là chủ thể của quá trình xây dựng NTM, xã đã thành lập Ban Vận động xây dựng NTM ở 14 thôn, buôn; thành viên là những người có uy tín để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người tham gia xây dựng NTM. Một trong những cách làm của Đảng bộ, chính quyền xã Ea Drơng là rà soát tình hình thực tế của từng thôn, buôn, trên cơ sở đó phân tích, đánh giá, xây dựng lộ trình thực hiện đối với từng tiêu chí theo phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đó”.

Chị Hồ Thị Xuyến (thôn Tân Phú, xã Ea Drơng) chăm sóc vườn cây xen canh của gia đình.
Chị Hồ Thị Xuyến (thôn Tân Phú, xã Ea Drơng) chăm sóc vườn cây xen canh của gia đình.

Ông Nguyễn Xuân Diện, Chủ tịch UBND xã cho biết, đích đến của xây dựng NTM là nâng cao mức sống của người dân cả về vật chất và tinh thần, vì vậy xã chú trọng, ưu tiên triển khai tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng NTM.

Theo đó, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã đã tập trung chỉ đạo, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác. Điển hình như gia đình chị Hồ Thị Xuyến (thôn Tân Phú) đã mạnh dạn đầu tư xen canh các loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng, vải… với tỷ lệ hợp lý trên diện tích 2 ha cà phê. Sau gần 5 năm chăm sóc, vườn cây ăn trái của gia đình chị Xuyến phát triển tốt, cho thu nhập ổn định gần 400 triệu đồng/năm. 

 

“Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy, từ việc nhỏ đến việc lớn đều được công khai bàn bạc rồi mới đưa ra kế hoạch thực hiện đã tạo sự đồng thuận trong dân. Đây là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình xây dựng NTM của địa phương”.

 

Ông Nguyễn Xuân Diện, Chủ tịch UBND xã Ea Drơng

 

Không riêng gia đình chị Xuyến, đời sống của nhiều hộ dân ở xã Ea Drơng đang từng bước được nâng lên. Toàn xã có gần 200 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm; 1 hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ và 2 tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững hoạt động hiệu quả; 1 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực trồng và chế biến cây cao su tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 38 triệu đồng/năm (tăng 26 triệu đồng so với năm 2011), trong 3 năm qua có 141 hộ vươn lên thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 4%. Đến nay, xã Ea Drơng đạt 17/19 tiêu chí NTM. Hai tiêu chí chưa đạt của xã Ea Drơng là giao thông (tiêu chí số 2) và cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6); trong đó khó nhất là tiêu chí giao thông vì địa bàn của xã rộng, các tuyến đường nội thôn, buôn nhiều.

Với mục tiêu đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2019, trong 6 tháng đầu 2019, cùng với nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện, xã đã huy động nhân dân đóng góp tự nguyện khoảng 1,8 tỷ đồng xây dựng hơn 8,6 km đường liên thôn, buôn. Tiêu biểu trong việc huy động sức mạnh tổng hợp từ nhân dân xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn phải kể đến thôn Tân Sơn. 

Tuyến đường bê tông của thôn Tân Sơn (xã Ea Drơng, huyện Cư M'gar) mới hoàn thành nhờ đóng góp của người dân.
Tuyến đường bê tông của thôn Tân Sơn (xã Ea Drơng, huyện Cư M'gar) mới hoàn thành nhờ đóng góp của người dân.

Sau một thời gian ngắn tuyên truyền, Ban tự quản thôn đã vận động được 47 hộ dân tự nguyện đóng góp gần 300 triệu đồng, ngày công lao động để cùng với số tiền đầu tư của Nhà nước bê tông hóa tuyến đường nội thôn dài 900 m với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Ngoài tuyến đường ở thôn Tân Sơn, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", xã Ea Drơng vừa khởi công xây dựng 1,28 km đường bê tông ở buôn Hô, dự kiến tháng 8 tới đưa vào sử dụng, nâng tổng số đường giao thông của xã đã xây dựng là hơn 30 km (đạt tỷ lệ 95% tổng số đường của xã).

Đối với tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa), đến nay 14/14 thôn, buôn của xã đã có nhà văn hóa, sân thể thao. Hiện xã đang tập trung xây dựng nhà văn hóa, thể thao trung tâm xã, dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2019. Với sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân,  hi vọng xã Ea Drơng sẽ về đích nông thôn mới đúng kế hoạch.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.