Multimedia Đọc Báo in

Nâng tầm hợp tác xã nông nghiệp

08:32, 03/09/2019

Nhiều hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức và cần có những giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Dễ gặp rủi ro, khó tiêu thụ sản phẩm

Toàn tỉnh hiện có 278 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm gần 60% tổng số HTX của tỉnh. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, thời gian gần đây, hoạt động của HTX nông nghiệp có nhiều khởi sắc, một số HTX đã tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm, chuyển từ bán nguyên liệu cho doanh nghiệp sang tự chế biến, quan tâm đến bao bì sản phẩm và công tác marketing.

Tuy nhiên, kinh tế tập thể trong nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, Cụ thể là bộ máy quản lý HTX chưa đáp ứng yêu cầu, liên kết sản xuất chưa chặt chẽ, nhiều HTX lúng túng trong hoạt động và xây dựng phương án kinh doanh, rất ít HTX có thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, đa phần HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế nên dễ gặp rủi ro, tổn thất do thiên tai và giá cả thị trường biến động.

Ông Nguyễn Ngọc Côn, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thái Hải (xã Buôn Triết, huyện Lắk) cho biết, vụ hè thu năm nay, đơn vị sản xuất hơn 200 ha lúa chất lượng cao. Phần lớn thành viên đều phải vay ngân hàng để đầu tư giống, phân bón, sau khi thu hoạch thì trả nợ. Tuy nhiên, đợt mưa lũ đầu tháng 8 vừa qua khiến toàn bộ diện tích lúa đang giai đoạn ngậm đòng và mới trổ bông bị ngập úng khiến sản lượng gần như mất trắng. Tình trạng này khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn, còn HTX cũng chưa biết xoay xở thế nào vì đã “lỡ hứa” cung cấp sản phẩm cho đối tác.

Thu hoạch tiêu tại Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Ea H’leo.
Thu hoạch tiêu tại Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Ea H’leo.

Không chỉ dễ gặp rủi ro, thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh, khó khăn lớn nhất của HTX nông nghiệp là phát triển thị trường tiêu thụ. Sản phẩm của phần lớn HTX chủ yếu bán lẻ hoặc qua trung gian, chưa có hợp đồng với đối tác nước ngoài hoặc nhà bán lẻ lớn nên đầu ra không ổn định.

Đơn cử như HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) sản xuất hơn 60 ha cà phê theo Chứng chỉ FLO, sản lượng trung bình hằng năm khoảng 230 tấn. Bên cạnh bán cà phê nhân xô, một phần sản lượng được HTX chế biến theo tiêu chuẩn chất lượng cao, đặc sản và có thương hiệu nhưng vẫn khó tiêu thụ.

Theo ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng xã Ea Tu, việc quảng bá sản phẩm, nhất là ở thị trường quốc tế đòi hỏi chi phí lớn nên đơn vị rất khó ký được những hợp đồng lớn, chủ yếu khách hàng đã dùng sản phẩm rồi quay trở lại mua.

Tương tự, HTX Nông nghiệp dịch vụ Hợp Nhất (xã Ea Ô, huyện Ea Kar) chuyên sản xuất các sản phẩm trà thảo mộc, gạo thảo dược, cốm gạo thảo dược theo hướng hữu cơ, nhưng lâu nay vẫn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Để bán hàng, HTX cố gắng tham gia rất nhiều hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại và cử cán bộ đi nhiều tỉnh thành để giới thiệu, tiếp thị sản phẩm.

Nâng tầm hợp tác xã nông nghiệp

Tại Hội thảo "Kinh tế hợp tác, HTX: Tiềm năng, thách thức và những giải pháp" do Viện Phát triển kinh tế hợp tác và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột mới đây, các chuyên gia cho rằng, mặc dù có số lượng lớn, nhưng “đẳng cấp” của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp, nội lực yếu. Điều này thể hiện ở chỗ số lượng thành viên ít, mức góp vốn thấp, diện tích sản xuất nhỏ, manh mún và chưa đăng ký thương hiệu sản phẩm.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến tại các HTX còn hạn chế, việc tổ chức sản xuất kinh doanh và ứng dụng khoa học kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể phần lớn HTX nông nghiệp chỉ thực hiện các khâu dịch vụ đầu vào, một số đơn vị chưa thoát khỏi phương thức hoạt động của HTX kiểu cũ, dẫn đến hiệu quả không cao, thu nhập của các thành viên còn thấp.

 
“Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu và nguồn nước để phát triển HTX nông nghiệp. Do đó, địa phương cần tạo ra sự kết nối, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ xanh, sạch và coi đó là điểm nhấn trong phát triển kinh tế”.
 
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo

Để khắc phục những bất cập trên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) Nguyễn Văn Tốn, tỉnh Đắk Lắk cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và người đứng đầu về phát triển kinh tế tập thể; chú trọng xây dựng, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển HTX và tăng cường quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực hỗ trợ các HTX xây dụng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và triển khai các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên điều cốt lõi là bản thân các HTX, muốn thành công họ phải tự nâng tầm, làm mới mình bằng cách đa dạng hoạt động dịch vụ, xây dựng chiến lược kinh doanh táo bạo và khả thi, từ đó khẳng định vai trò cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp. Trong đó, quan trọng là người lãnh đạo phải có tâm huyết để mở rộng liên kết gắn sản xuất, chế biến với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản thông qua hợp đồng kinh tế, đồng thời, tôn trọng nguyên tắc tự nguyện và bảo đảm hài hòa lợi ích của các thành viên.

Sản phẩm của Hợp tác xã Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana tại một hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm HTX.
Sản phẩm của Hợp tác xã Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana tại một hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm HTX.

Hiến kế về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp cho địa phương, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, tỉnh cần tạo động lực, sức sống mới trong nhận thức và hành động từ cả hệ thống chính trị đến người dân; tăng cường bảo vệ tài nguyên môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai thông qua mô hình kinh tế tập thể, HTX.

Đặc biệt, địa phương cần phát triển kinh tế tập thể theo hướng khai thác có hiệu quả thế mạnh nông nghiệp, hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn, sản xuất sản phẩm mang tính đặc trưng và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là những doanh nghiệp lớn, đủ năng lực liên kết với các HTX để thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​